Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND TP, 9 tháng đầu năm, tình hình KN - TC có chiều hướng gia tăng về số lượng và số đoàn đông người. Tính chất các vụ khiếu nại diễn biến phức tạp như: Khiếu kiện gay gắt, tổ chức theo đoàn; kích động, lôi kéo làm mất trật tự công cộng; trong đó, khiếu nại về đất đai, GPMB chiếm tỷ lệ cao (75%). Các cơ quan TP đã tiếp hơn 15.000 lượt công dân đến KN - TC (3.370 lượt về quản lý đất đai, 4.654 lượt về GPMB, 2.064 lượt về tranh chấp đất đai), riêng lãnh đạo TP đã tiếp 449 lượt người, thông qua đó đã kịp thời chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng giải quyết dứt điểm các vụ KN - TC, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân. Nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, đã được xử lý dứt điểm như tại khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn và Sơn Tây, tranh chấp đất ở Phú Túc (huyện Phú Xuyên), dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung, dự án đường 2,5 ở quận Hoàng Mai…
Từ đầu năm đến nay, toàn TP đã tiếp nhận, thụ lý 1.225 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai và GPMB, đã giải quyết theo thẩm quyền gồm 785 vụ khiếu nại, 161 vụ tố cáo. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi 2.737 triệu đồng, trên 6,7ha đất, thu hồi 7 giấy chứng nhận, trả lại cho công dân 25.649 triệu đồng và 634m2 đất.
|
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng các đơn vị chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết KN - TC, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính. Một số vụ việc chậm giải quyết, gây bức xúc cho người dân và phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Thậm chí có nơi, có chỗ còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết KN - TC còn hạn chế làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền các cấp. Ngoài yếu tố khách quan về cơ chế chính sách, có nguyên nhân do quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhận thức, trách nhiệm một bộ phận cán bộ còn thấp, công tác tuyên truyền, vận động chưa quan tâm đúng mức là những lý do chính dẫn đến tình trạng KN - TC phức tạp như hiện nay.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, lãnh đạo các quận, huyện đều cho rằng hiện một số cơ chế chính sách chưa đồng bộ chính là "rào cản" lớn nhất trong công tác GPMB, dẫn đến KN - TC. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải giải quyết, tình trạng này sẽ được hạn chế. Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Hậu thừa nhận, hiện một số chính sách pháp luật quy định về thu hồi đất còn bất cập. Ví dụ, năng lực tài chính chủ đầu tư được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng chưa rõ, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp vi phạm, nhất là trong chuyển nhượng đất đai, nhà xưởng. Khi cơ quan chức năng vào cuộc thậm chí bị kiện ngược với lý do làm khó doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, phải tăng cường công tác quản lý quy hoạch; kiên quyết thu hồi và không phê duyệt với những dự án không hiệu quả, không cần thiết và chưa có điều kiện thực thi; tiếp tục thu hồi những dự án không hiệu quả để giảm thiểu bức xúc của nhân dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của hệ thống chính trị để giải quyết tốt nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp trên địa bàn. Đồng chí cho rằng, đây là công việc khó, nhưng không vì thế mà các cấp, các ngành không tập trung thực hiện, bởi nếu làm hiệu quả thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tán thành với các nguyên nhân dẫn đến KN - TC còn phức tạp, Bí thư Thành ủy yêu cầu mỗi cán bộ làm công tác liên quan đến đất đai, GPMB phải đặt mình vào vị trí người dân để có suy xét thấu đáo, từ đó đưa ra hướng giải quyết hài hòa, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các cấp, các ngành phải quán triệt quan điểm chỉ đạo giải quyết KN - TC là nhiệm vụ quan trọng, gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Các sở, ngành cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách về giải quyết KN - TC; phối hợp tốt với chính quyền các cấp thực hiện công khai, dân chủ, công bằng để xử lý linh hoạt các vụ việc, đảm bảo quyền lợi tối đa cho lợi ích người dân, giảm bớt khiếu kiện. Tuy nhiên, với những trường hợp cố tình lợi dụng để lôi kéo, kích động người khác tham gia khiếu kiện, cần kiên quyết xử lý thích đáng.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KN - TC thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay khi vụ việc mới xảy ra và tổ chức đối thoại kịp thời. Giải quyết phải dứt điểm, tránh tình trạng chỉ dừng ở việc chuyển đơn, nhận đơn theo đúng thẩm quyền, đúng thủ tục. Cùng với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ; phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu: Nên quy định giá đất ổn định thời gian dài hơn Giá đất cần sửa đổi theo thời gian dài hơn chứ không phải một năm như hiện nay, tránh gây tâm lý chờ đợi của người dân để giá đất cao hơn, quyền lợi tốt hơn. Tôi cho rằng, ít nhất phải xây dựng bảng giá đất có thời hạn 3 - 5 năm để tạo sự ổn định. Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư: Đền bù tái định cư nên tính giá trị cụ thể Có một số bất cập trong thực hiện bồi thường, GPMB. Ví như có hộ mất 10m2 đất được tái định cư 30m2, trong khi mất 35m2 cũng chỉ được 80m2. Đề nghị cần xây dựng phương án đơn giản, đảm bảo công bằng hơn như tính giá trị cụ thể theo từng mét vuông để lên phương án đền bù tái định cư, không nên đưa ra các hạn mức như hiện nay. Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Mạnh Hải: Sớm hoàn thiện các chính sách liên quan đến GPMB TP cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan đến GPMB, bởi hiện một số dự án vẫn cần cơ chế đặc thù. Ví như thủ tục GPMB về đất ở, thường kéo dài 2 năm, nhất là những dự án lớn, trong khi giá ban hành thấp, chỉ bằng 30% giá thị trường, nhưng vẫn phải làm đúng thủ tục này, rồi lại xin điều chỉnh, rất mất thời gian. |