Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với những cụm từ mà có lẽ lần đầu tiên được đề cập trong một thông báo chính thức về việc xem xét kỷ luật cán bộ liên quan vụ “hotgirl” Quỳnh Anh và con trai nguyên Bí thư Quảng Nam đã “trúng” với suy nghĩ của rất nhiều người.
Bởi, những biểu hiện “bất thường” trong bổ nhiệm mới được coi là dư luận khi không ít phát ngôn trước đó đều nói đúng quy trình. Giờ thì có thể thấy gần như tất cả những khẳng định “đúng” đó đã... sai, kể cả “chưa tương xứng” về hình thức kỷ luật ở cấp tỉnh.
Trước tiên, với vụ thăng tiến thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, trách nhiệm của ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và ông Đào Vũ Việt - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng của tỉnh này đến thời điểm này đã không thể rõ hơn và cho thấy dư luận bấy lâu nay là có cơ sở.
Bên cạnh nhiều vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn, đáng chú ý là “đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước”. Thậm chí ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Còn liên quan câu chuyện lùm xùm trong bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như sau: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.
Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XIV vừa qua, một nhận định rất đáng quan tâm của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng là: Nhìn chung ở cấp tỉnh, việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở khu vực này vẫn còn nghiêm trọng. Đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là việc “khép kín” trong nội bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang, né tránh của nhiều tỉnh. Do đó mà cơ quan của Quốc hội đề nghị “cần chú ý đến việc phát hiện, xử lý và phòng ngừa tham nhũng tại các khu vực này”.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Trị) còn đặt vấn đề: "Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm?" và đề nghị xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được.
Còn ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đặt câu hỏi: Có hay không tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Ông nêu quan điểm là có, vì “theo nguyên lý không có lửa thì không có khói. Người ta nói: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ, hẳn là có lý!”.
Quay trở lại việc bổ nhiệm cán bộ ở Thanh Hóa và Quảng Nam, câu chuyện “khép kín”, “nể nang” hay vần “ệ” được chứng minh sinh động. Bởi, không nể nang, thiếu quyết liệt sao vi phạm “ưu ái, nâng đỡ không trong sáng”, gây bức xúc dư luận như vậy mà tỉnh chỉ “khiển trách” hoặc không kỷ luật để rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là chưa tương xứng với tính chất, mức độ lỗi phạm theo quy định của Đảng?
Không vần “ệ” sao lại “không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình” trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm” liên quan con trai?
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã “hai năm rõ mười” và chắc chắn những người vi phạm phải nhận mức kỷ luật tương xứng. Đó chính là kỷ cương, là sự công bằng và tạo niềm tin rằng quy trình cán bộ không phải dễ dàng được sử dụng để hợp thức hóa cho người không đảm bảo tiêu chuẩn.