Tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay giảm dần
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, các hãng hàng không VN thực hiện 115,4 nghìn chuyến bay. Trong số này có tới hơn 18,7% chuyến bay bị chậm và số chuyến bay bị hủy chiếm 2,4%. Hai hãng hàng không Jetstar Pacific và Vietjet Air vẫn tiếp tục “dẫn đầu“ với tỷ lệ chậm, hủy chuyến lần lượt là 38,7% và 36,6%.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng lưu ý, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao. Song, sau gần ba tháng triển khai quyết liệt các công tác nhằm giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. “Trong tháng 9/2014, tỷ lệ chậm của các hãng hàng không VN chỉ còn 9,9% (giảm 6,6 điểm so với tháng 9/2013, giảm 2,9 điểm so với tháng 8/2014); Tỷ lệ hủy là 0,4% (giảm 1,6 điểm so với tháng 9/2013, giảm 0,1 điểm so với tháng 8/2014”, ông Thanh cho biết.
Trước đó, theo số liệu mà ông Thanh cung cấp, 6 tháng đầu năm, các hãng Hàng không Việt Nam thực hiện 74 nghìn chuyến bay. Trong đó, tỷ lệ chậm chuyến 20,9%, tỷ lệ hủy chuyến 3,2% tăng tương ứng 5,2 điểm và 0,5 điểm so với cùng kỳ năm 2013.
Quy rõ trách nhiệm hãng hàng không
Bàn về chế tài đối với hãng hàng không để xảy ra chậm, hủy chuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, Luật Hàng không dân dụng VN hiện hành đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, quyền và nghĩa vụ của hành khách, những vấn đề liên quan đến các trường hợp bồi thường thiệt hại, chăm lo hành khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến. Những quy định này được xây dựng trên cơ sở Công ước quốc tế Montreal năm 1999 và một số quy định tiên tiến của Cộng đồng châu Âu. Tuy nhiên, Luật còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển hàng không trong việc bảo đảm thực hiện các điều kiện vận chuyển, trong đó có việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, thiếu các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách trong trường hợp xảy ra chậm, hủy chuyến...
“Khắc phục những hạn chế này, dự thảo Luật Hàng không dân dụng VN sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không. Trong đó, có nghĩa vụ duy trì các điều kiện vận chuyển và nghĩa vụ duy trì chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển, bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước”, bà Nga nói.
Tăng mức bồi thường cho hành khách
Đại diện Cục Hàng không nhận định, theo quy định cũ, mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến, hành khách bị từ chối vận chuyển hiện tại khá thấp so với mặt bằng giá hiện nay nên không thỏa mãn yêu cầu của hành khách. Tại dự thảo Thông tư mới, với chuyến bay nội địa bị chậm trên 4 giờ, hành khách được tăng mức bồi thường 100 nghìn đồng so với hiện nay.
Cụ thể, với chuyến bay nội địa có độ dài dưới 500 km, hành khách được đền bù 200 nghìn đồng; Từ 500 km đến dưới 1 nghìn km bồi thường 300 nghìn đồng và 400 nghìn đồng cho quãng đường từ 1 nghìn km trở lên.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư vẫn giữ nguyên mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế là 25 USD cho chuyến bay dưới 1 nghìn km, 50 USD cho quãng đường từ 1 nghìn - 2.500 km, 80 USD cho chuyến bay dài từ 2.500 đến dưới 5 nghìn km, 150 USD cho chuyến bay từ 5 nghìn km trở lên.
Hành khách chờ lên máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
|
Dự thảo thông tư cũng quy định rõ trong trường hợp không nhận được khoản bồi thường ứng trước không hoàn lại hoặc mức bồi thường ứng trước không hoàn lại chưa phù hợp với các quy định của Thông tư này, hành khách gửi văn bản đề nghị đến người vận chuyển trong thời hạn một năm kể từ ngày chuyến bay dự kiến cất cánh để yêu cầu người vận chuyển thực hiện nghĩa vụ. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, người vận chuyển có nghĩa vụ trả lời hoặc bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách. Hành khách cũng có thể khởi kiện người vận chuyển về việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự nếu không đồng ý với quyết định của người vận chuyển. |