Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO "trấn an" Moscow về cuộc tập trận sát sườn Nga

Hương Thảo (Newsweek)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga và phương Tây luôn ở trong thế dè chừng nhau, khiến bất cứ động thái quân sự nào từ một bên cũng sẽ là nỗi bất an của bên còn lại.

Liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đang cố làm dịu những lo ngại của Moscow về đợt tập trận có quy mô lớn nhất trong hai thập kỷ qua, bắt đầu vào cuối tháng này với tên gọi Trident Juncture 2018, trong bối cảnh leo thang các cuộc diễn tập phòng thủ của cả 2 bên.
Trident Juncture 2018 - với sự tham gia của gần 50.000 binh sĩ đến từ 31 quốc gia thành viên NATO và các quốc gia đối tác, cùng với khoảng 150 máy bay, 65 tàu và tối đa là 10.000 phương tiện - dự kiến ​​sẽ diễn ra ở miền trung và miền đông Na Uy, phía bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic, bao gồm Iceland và không phận Phần Lan, Thụy Điển từ ngày 25/10 đến 7/11. Kịch bản diễn tập của Trident Juncture 2018 được báo cáo bao gồm các lực lượng của liên minh sẽ đẩy lùi một cuộc tấn công từ phương Bắc.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo hôm 9/10 rằng liệu kịch bản này có mang ý nghĩa rằng các cuộc tập trận sẽ được thực hiện để hướng NATO tới một cuộc chiến tranh với Nga hay không, Đô đốc Hải quân Mỹ James Foggo khẳng định một trong những thông điệp của đợt tập trận lần này là "cho thấy NATO có khả năng bảo vệ và ngăn chặn bất cứ đối thủ nào chứ không riêng một quốc gia nào hết".
Các binh sĩ thuộc Đơn vị viễn chinh số 24 của Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ bãi biển Onslow, North Carolina hôm 3/10. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 
Ông Foggo, người từng là chỉ huy của Lực lượng Đồng Minh ở Naples, cũng nhấn mạnh rằng hoạt động tập trận là "một thông điệp cho bất cứ ai có thể thực hiện các hành động hung hăng để dẫn đến một kịch bản nêu tại Điều 5 của NATO". Điều 5 của liên minh này đề cập đến cam kết bảo vệ nhau nhằm chống lại tất cả các cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào.
Trung tướng Rune Jakobsen của lực lượng quân đội Na Uy thì cho rằng Nga đang "lo xa" khi lý giải với báo giới: "Khu vực diễn ra các hoạt động tập trận chính thức là 1.000km kể từ biên giới Nga, và các hoạt động hàng không chỉ có thể diễn ra trong vòng 500km, vì vậy người Nga sẽ chẳng có lý do gì để sợ hãi hay nhìn nhận các hoạt động sắp tới với mục đích nào khác ngoài một bài tập phòng thủ đơn thuần".
Đáng chú ý là vào thời điểm này năm ngoái, Nga cũng hợp tác với Belarus để tổ chức đợt tập trận hoành tráng Zapad-17 gần biên giới với NATO. Nhiều nhà phân tích phương Tây lúc đó cũng tỏ ra lo sợ khi cho rằng những động thái của phía Moscow đang che dấu cho ý đồ của một cuộc xâm lược quân sự, tuy nhiên lại không dẫn ra được bằng chứng gì.
Kể từ khi Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014, NATO đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn các hoạt động của Moscow ở Đông Âu. Phía Nga cũng thường xuyên cáo buộc NATO đang quân sự hóa biên giới phía tây của lực lượng này bằng cách triển khai hàng ngàn binh sĩ, kể cả từ Mỹ.