Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên có cơ chế thưởng, phạt ngân sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Làm ngân sách theo hai bước

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, hiện nay Quốc hội họp, quyết định ngân sách vào kỳ họp cuối năm là chậm và rất khó thảo luận, cho ý kiến. Bởi việc phân bổ ngân sách cũng giống như ngôi nhà được xây dựng từ dưới lên theo tiêu chuẩn.

Do đó, ông Nguyễn Văn  Phúc cho rằng nên làm ngân sách theo hai bước. Bước một, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội cho ý kiến chỉ tiêu cân đối, nhiệm vụ lớn về ngân sách. Nhiệm vụ này có thể làm được vì giữa năm Chính phủ có một chỉ thị về giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán ngân sách. "Nội dung này nên trình Quốc hội cho ý kiến, thậm chí Quốc hội có thể quyết định một số mục tiêu cân đối lớn và nguyên tắc, nhiệm vụ làm khung cho Chính phủ xây dựng, tiếp tục trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Nên cải cách mạnh mẽ như thế" - ông Phúc chia sẻ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Một vấn đề khác được ông Phúc đề nghị là nên quy định rõ việc lập các loại quỹ và thẩm quyền các loại quỹ trong luật ngân sách Nhà nước. Chúng ta có hơn 40 quỹ, có thời kỳ qua nghiên cứu chúng ta có gần 70 quỹ tài chính. Nhưng hiện nay chưa có luật nào quản lý quỹ. Do đó, theo ông Phúc cần đưa các quy định này vào luật tài chính công, trong đó có nguyên tắc lập và quản lý quỹ.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đã bàn đến vấn đề cơ chế phân bổ ngân sách như thế nào cho hợp lý. Có đại biểu cho rằng cần quy định rõ hỗ trợ ngân sách cho các tổ chức hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ… Hiện nay, ngân sách Nhà nước hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của các tổ chức này, nhưng nếu hỗ trợ tất cả thì ngân sách nào đủ? Một vấn đề khác đang tồn tại là Bộ trưởng một số Bộ như GD&ĐT, Bộ KH&CN chỉ quyết định được ngân sách trong Bộ đó, phần còn lại do Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT quyết định, dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện nay có ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương. Ở mỗi cấp lại có dự toán, chi tiêu riêng. Hơn nữa, ngân sách có thu, chi cần phải điều tiết, phân phối cho hợp lý. Ngân sách phân cấp cho phát triển kinh tế, xã hội phải đảm bảo. Ví dụ như đường giao thông, đường quốc lộ là đường của T.Ư, đường tỉnh lộ, xã lộ là đường địa phương. Nhưng không có con đường nào không qua địa phương, như đường 1A chạy suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Không có tỉnh nào không có đường quốc lộ, tỉnh lộ. Do đó, tùy phân cấp mà tính toán định mức phân bổ ngân sách cho hợp lý. Do đó, giữa tổng hợp lập dự toán của các Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT phải có sự phối hợp với các bộ, ngành khác và với địa phương.

Đại biểu Vương Đình Huệ- Trưởng ban Kinh tế T.Ư, cũng đặt vấn đề, hiện nay trong chính sách của Đảng, Nhà nước có chính sách đối với những vùng kinh tế động lực như ưu đãi để địa phương này thực sự trở thành đầu tàu, động lực phát triển không chỉ đóng góp cho họ mà cả nước. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã có kết luận về tiếp tục thực hiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có đề cập đến vấn đề này. Mặt khác, trong chính sách của Nhà nước có hỗ trợ ngân sách, tạo điều kiện cho vùng khó khăn, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc phát triển, rút ngắn khoảng cách với vùng phát triển. Tuy nhiên, trong cả luật này chưa có mục nào lưu ý đến vấn đề này. Theo ông Huệ nên có cơ chế thưởng, phạt về ngân sách. Nếu những cơ quan, đơn vị phấn đấu để đạt thu ngân sách vượt chỉ tiêu là rất tốt, nên cần phải nghiên cứu cơ chế thưởng phạt phân minh. "Nếu làm sai thì phải phạt, còn làm tốt thì phải động viên để tạo động lực cho các địa phương, nhất là địa phương khó khăn vươn lên" - ông Huệ chia sẻ.

Rút ngắn thời gian quyết toán

Nhiều đại biểu cho rằng, nên có quy định trung hạn về ngân sách, nhất là đối với một số lĩnh vực như y tế, giáo dục... Bởi hiện nay quy định cứng trong từng năm là rất khó đối với các lĩnh vực này. Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ cho biết, có năm phê bình tỉnh A, tỉnh B không phân bổ ngân sách cho giáo dục, y tế đúng theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội nhưng họ nói là không có nguồn. Một số địa phương có cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế đạt cao rồi như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nếu theo tỷ lệ đó không hấp thu hết được nên phải chuyển chi sang khoản khác. Cho nên để trong vòng trung hạn sẽ sát hơn với thực tiễn.

Về quyết toán ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đề nghị không nên để thời hạn 18 tháng như hiện này bởi lúc đó mọi việc đã chi tiêu xong rồi, việc trôi qua và không nhiều người còn nhớ. Theo   ông Phúc, dài nhất cũng chỉ để 1 năm sau chứ không thể để 18 tháng.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, quyết toán ngân sách phải làm ngay, càng để lâu càng mờ ám. "Trước đây, có công trình thủy lợi 5 – 6 năm không quyết toán được vì hồ sơ thất lạc. Thất lạc là có vấn đề. Tôi đề nghị rút ngắn thời gian quyết toán xuống còn 12 tháng" - Đại biểu Khá góp ý.

Đối với Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), theo một số đại biểu, cần phải có Hội đồng kiểm toán quốc gia. Ở một số nước, Hội đồng kiểm toán do Quốc hội lập ra. Hội đồng kiểm toán là hoạt động tập thể và trong luật phải quy định rõ cơ chế, trách nhiệm, hoạt động thường xuyên... Một điểm đáng lưu ý theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, kiểm toán Nhà nước đi kiểm toán thì ai kiểm toán lại kiểm toán Nhà nước? Ở một số nước, Quốc hội dùng một công ty độc lập để kiểm toán lại kiểm toán Nhà nước, sau đó báo cáo lại Quốc hội. Như vậy mới đảm bảo tính khách quan.