Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên đánh giá lại quy mô tồn kho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Hàng tồn kho đang là rào cản khiến doanh nghiệp (DN) khó phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mấu chốt của tồn kho không phải là hàng hóa mà là tồn kho bất động sản. Nếu tính cả bất động sản vào hàng tồn kho thì con số tồn kho trong nền kinh tế sẽ đáng sợ hơn nhiều"- Chuyên gia Kinh tế Vũ Đình Ánh (ảnh dưới) phân tích.

Nên đánh giá lại quy mô tồn kho - Ảnh 1
Bởi vậy, theo ông Ánh, phải đánh giá lại quy mô tồn kho hiện nay để có hướng tháo gỡ tốt nhất.

Vấn đề cốt lõi nhất cần nhìn ra để xử lý hiện tượng tồn kho hiện nay, theo ông là gì?

- Theo tôi, vấn đề hiện nay là phải đánh giá lại thực tế quy mô tồn kho. Nhìn vào dòng tiền của DN trong các báo cáo tài chính, có thể thấy, thời gian qua, dòng tiền DN "ném" vào đầu tư các lĩnh vực rủi ro, ăn xổi như bất động sản, chứng khoán... quá nhiều, trong khi lẽ ra số tiền đó phải đưa vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. DN Việt Nam còn dựa quá nhiều vào vốn ngân hàng. Bởi vậy, nếu tính cả bất động sản là tồn kho thì chắc chắn con số tồn kho thực tế rất lớn.

Phần lớn tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản. Khi tồn kho bất động sản nhiều, thị trường èo uột thì nợ xấu, trong đó nợ xấu bất động sản lại tăng cao.

Vậy, giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Để giải quyết tồn kho, trong đó có tồn bất động sản, nếu chỉ chờ vào sự cố gắng của ngân hàng là chưa đủ mà cần sự vào cuộc và phối hợp đều tay của các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính...

Bên cạnh đó, cần quyết liệt xử lý tồn kho hơn, DN có thể phải chấp nhận hạ giá, bán lỗ để thu hồi vốn, kích thích sức mua.

Hiện, nhiều ngân hàng đang rầm rộ tung các chương trình kích thích tín dụng. Đây cũng là một biện pháp giúp DN phục hồi. Ông đánh giá thế nào?

- Việc giảm lãi suất, thời gian qua là nỗ lực của ngân hàng. Tuy nhiên, tôi cũng khẳng định, hiện chúng ta cần nâng cao chất lượng tín dụng chứ không phải cứ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cái thời tăng trưởng kinh tế song hành cùng tăng trưởng tín dụng đã xưa rồi. Nếu cứ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, vô tình chúng ta đẩy DN vào rủi ro đạo đức. Và tình trạng vay vốn đổ vào những lĩnh vực rủi ro, ăn xổi, không liên quan đến sản xuất kinh doanh như thời gian trước lại lặp lại.

Xin cảm ơn ông!