Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên điều chỉnh cho phù hợp với thực tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, năm 2011 Thành phố (TP) đã bố trí 100 tỷ đồng cho đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, trong đó triển khai quyết định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (LSSĐT).

Sau một năm thực hiện, phản ánh từ DN cho thấy, đây là chính sách đúng đắn nhưng cần có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế để có thêm nhiều DN được thụ hưởng.

Cơ quan quản lý: Nỗ lực tối ưu hóa chính sách

Ngày 24/11/2011, UBND TP ban hành Quyết định 5487/2011/QĐ -UB về hỗ trợ LSSĐT cho DN. Trong quá trình thực hiện, trước thực tế lãi suất ngân hàng (NH) liên tục tăng cao và đối tượng được vay, ký hợp đồng, giải ngân và trả nợ gốc trong năm rất hạn chế, DN rất ít có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất… UBND TP cũng liên tiếp ban hành các Quyết định số 2650/2012/QĐ -UB ngày 14/6 và Quyết định số 4406/2012/QĐ -UB ngày 3/10 mở rộng đối tượng, nới lỏng một số điều khoản để nhiều DN được hỗ trợ LSSĐT hơn.

Nên điều chỉnh cho phù hợp với thực tế - Ảnh 1

Doanh nghiệp Hà Nội mong được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục trong chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Trong ảnh: Tại phân xưởng sản xuất của Công ty CP Dụng cụ cơ khí. Ảnh: Linh Chi

Đại diện phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, tính đến ngày 19/11/2012, có hơn 10 DN đã và đang chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ LSSĐT như: Công ty CP Ô tô Xuân Kiên, Công ty CP Nhựa Hà Nội, Công ty CP Cơ điện Trần Phú, Công ty CP May 10... Cơ quan chức năng đang xem xét chi trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ LSSĐT cho các DN này. Song, khoảng cuối năm 2012 UBND TP mới có quyết định chính thức.

Doanh nghiệp: Mong từng đồng vốn có ích

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel xốp nhựa cùng nhiều DN khác, trong năm 2011 và 2012, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vay vốn ngân hàng. Lãi suất vay ngắn hạn cao hơn trung hạn, khiến không ít DN nản lòng, sản xuất cầm chừng, không dám đầu tư mở rộng. Chính vì thế, chính sách hỗ trợ LSSĐT của UBND TP là chủ trương đúng, trở thành nguồn động viên DN rất kịp thời.

Tuy vậy, DN khác lại chia sẻ, Quyết định về hỗ trợ LSSĐT nghe có vẻ "đơn giản" nhưng để đáp ứng được các điều kiện là không hề dễ. Một trong số đó, DN phải không có nợ xấu, tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay rất ít DN đáp ứng được các yêu cầu này. "Khi chúng tôi muốn đổi mới thiết bị công nghệ, và triển khai nhiều dự án, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn. Nếu đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ LSSĐT, DN cũng chỉ được hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng…", Tổng Giám đốc một DN chuyên ngành cơ khí tại Hà Nội nói.

Ông Phạm Hữu Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí Thăng Long đề xuất, thủ tục xét cho DN được hỗ trợ LSSĐT cần linh hoạt hơn, căn cứ vào hiệu quả dự án thực tế của DN. Cụ thể, thời gian xét chọn dự án nên "nới" rộng hơn, không chỉ quy định trong năm 2011, vì nhiều dự án bắt đầu năm 2010 và kéo dài đến 2011 và 2012 mới hoàn thành và phát huy tác dụng… Bên cạnh đó, chính sách này có thể mở rộng đối tượng được thụ hưởng hơn nếu DN được hướng dẫn cụ thể. "Như vậy, hiệu quả chính sách sẽ thiết thực hơn, tránh tình trạng nguồn vốn đầu tư ít ỏi mà bị dàn trải nhiều khi không đúng chỗ" - ông Hùng nhấn mạnh.

"Tới đây, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đề xuất các giải pháp hỗ trợ thiết thực để nhiều DN được thụ hưởng chính sách hơn, như hỗ trợ DN trong việc di dời khỏi nội đô vì ô nhiễm môi trường, được hỗ trợ LSSĐT để xây dựng nhà máy mới tại các tỉnh lân cận do quỹ đất TP không có điều kiện phát triển… Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý, hy vọng sang năm 2013 khi nền kinh tế bớt khó khăn, nhiều DN của Thủ đô sẽ được hưởng lợi từ chính sách này hơn nữa".

Trịnh Thị Ngân Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương