Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên đổi mới thực chất cách làm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau một năm thực hiện việc tái cơ cấu, tình hình kinh tế đang có những chuyển biến nhất định, tuy nhiên, việc triển khai đề án này vẫn quá chậm so với yêu cầu đặt ra.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế - Một năm nhìn lại”, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua tại Khánh Hòa.

Nên đổi mới thực chất cách làm - Ảnh 1
 
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đặt lên hàng đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế.Ảnh: Việt Linh


Nợ xấu đè nặng nền kinh tế

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau một năm triển khai chương trình tái cơ cấu, tình hình kinh tế nước ta đã chuyển biến theo hướng tích cực như giảm lạm phát từ hơn 18% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012; Cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu 9 tỷ USD năm 2011 sang xuất siêu gần 0,6 tỷ USD… Tuy nhiên, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng cho thấy bức tranh tổng thể của nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: Tỷ trọng đầu tư xã hội so với GDP đang sụt giảm mạnh, từ 41,9% năm 2010 xuống 33,5% năm 2012; biên độ giảm lạm phát lên đến 11,2%, điều đó cho thấy về dài hạn, nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ bất ổn nghiêm trọng... 

Nghiên cứu mới đây của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, nợ xấu của thị trường bất động sản hiện chiếm phần lớn số nợ xấu của ngành ngân hàng. Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước tồn kho trên 160.000 căn hộ, tương đương gần 50.000 tỷ đồng. Nếu cộng các khoản nợ xấu tiềm tàng như nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ của Vinashin, Vinalines thì tổng nợ xấu ngân hàng ước tính sẽ vào khoảng nửa triệu tỷ đồng, tương đương 17% GDP của năm 2012. 

Mặc dù Nhà nước cũng như các bộ, ngành đang cố gắng đẩy mạnh việc tái cơ cấu kinh tế nhưng nhiều đại biểu cho rằng hiện cách điều hành kinh tế vĩ mô dựa chủ yếu vào các công cụ và các giải pháp hành chính mang tính ngắn hạn, điều đó cho thấy các cơ quan quản lý vẫn chưa nỗ lực triển khai những giải pháp mang tính dài hạn.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, trong năm 2012 lãi suất ngân hàng được điều hành chủ yếu bằng mệnh lệnh của Ngân hàng Nhà nước thay vì sử dụng công cụ thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu (sáp nhập ngân hàng) chủ yếu xuất phát từ sự bức bách của thực tiễn chứ không diễn ra theo lộ trình định trước. Một số hoạt động chỉ dừng lại ở đề án trên giấy, chưa gắn kết trong một chương trình tổng thể và triển khai thực tế nên chưa có điều kiện kiểm chứng.

TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phản ánh, mặc dù Chính phủ đã đưa ra đề án cơ cấu kinh tế nhưng việc thực hiện diễn ra quá chậm. Thực tế, cho thấy chưa có DN, ngân hàng xấu nào bị giải thể điều đó cho thấy việc triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế mới chỉ được khởi động, chưa mang lại kết quả như mong muốn.
 
Cần sát thực tế
 
Để hoạt động tái cơ cấu kinh tế thành công, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần có sự điều chỉnh theo hướng sát với tình hình thực tế hơn. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, nội dung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DN, hệ thống tài chính phải được đặt lên hàng đầu. 

Ngoài ra, cần có những giải pháp ngăn chặn cơ chế xin - cho trong việc phê duyệt các dự án đầu tư công, điều này sẽ góp phần hạn chế các dự án treo. Nhiều đại biểu nhìn nhận, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội theo hướng được sử dụng có hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu cơ quan quản lý phải đặt các DN Nhà nước trước áp lực thị trường để thúc đẩy các DN sáng tạo tư duy, đổi mới cách làm, tránh tình trạng bao che cho những DN vốn là những tác nhân gây nhiễu cho nền kinh tế hiện nay thêm trì trệ.

TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển cho rằng, hiện niềm tin kinh doanh của DN, người dân đang ở mức thấp, vì vậy việc triển khai các biện pháp gây dựng lòng tin gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế thông qua Nghị quyết 01 và 02/2013/NQ - CP của Chính phủ là việc làm cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu là phải tiến hành các hoạt động “cải cách đột phá” thay vì tiếp tục lo “tháo gỡ khó khăn” trước mắt như hiện nay. Nếu làm được điều đó, nền kinh tế sẽ dần ổn định và trở lại lộ trình tăng trưởng bền vững.