Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

'Nên duy trì gói kích cầu thứ 2'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay khoảng 405.000 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 84%.

KTĐT - Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay khoảng 405.000 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 84%.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng kinh tế VN đã qua giai đoạn khó khăn nhưng chưa vội mừng. Việc duy trì các chính sách hỗ trợ là cần thiết nhằm tạo đà tăng trưởng cho năm sau.

- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả gói kích cầu thứ nhất mà Chính phủ triển khai trong thời gian vừa qua?

- Thời gian qua, chúng ta áp dụng rất nhiều kênh hỗ trợ trực tiếp lẫn gián tiếp như hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm một số loại thuế. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay khoảng 405.000 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 84%.

Ngoài ra để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ cũng quyết định miễn, giảm, giãn thời gian nộp một số loại thuế như thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT với tổng số tiền lên tới 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền miễn giảm là 13.700 tỷ còn lại 6.300 tỷ là giãn thuế.

Báo cáo trước Quốc hội sáng qua 20/10, Chính phủ cũng đã khẳng định, nhờ các biện pháp trên, VN đã ngăn chặn được đà suy giảm. Các doanh nghiệp đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi với 76.000 doanh nghiệp mới được thạnh lập, tạo thêm 1,5 triệu việc làm.

- Chính phủ khẳng định kinh tế VN đã qua giai đoạn khó khăn, vậy theo ông có cần thiết phải áp dụng gói kích cầu thứ 2?

- Việc triển khai gói kích cầu thứ 2 vẫn còn rất nhiều ý kiến trái ngược. Tôi thấy đúng là kinh tế đã phục hồi nhưng chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao. Năm nay GDP ước đạt 5,2%, mục tiêu đặt ra cho năm sau là 6,5% - đây chưa phải con số cao so kế hoạch đặt ra lúc đầu tăng trưởng kinh tế của chúng ta là 7,5 đến 8%. Do vậy, tôi cho rằng vẫn cần phải duy trì các chính sách một mức nhất định nào đó để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, mức ưu đãi sẽ giảm hơn so với giai đoạn kinh tế suy giảm.

Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi kiến nghị thôi không miễn giảm thuế nữa. Còn đối với chính sách hỗ trợ lãi suất, tôi cho rằng vẫn nên duy trì đối với các dự án đầu tư và bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn sản xuất, mua sắm thiết bị, đầu tư tài sản cố định. Đây là việc làm cần thiết vì nó tác động nhiều đến nền kinh tế về lâu dài. Còn hỗ trợ ngắn hạn thì nên dừng.

- Trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế hậu suy giảm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ có đề xuất tiếp tục giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 3 tháng đầu năm 2010, theo ông, việc làm này có thực sự cần thiết?

- Trong báo cáo sáng nay, Chính phủ đã trình bày rất rõ trước Quốc hội rồi. Cuối năm kinh tế đã có bước phục hồi, Chính phủ đề xuất Quốc hội dừng các ưu đãi, miễn giảm nói chung. Tuy nhiên, năm ngoái chúng ta giãn thuế trong 6 tháng, cộng với các khoản thuế mới phát sinh của năm 2010, có thời điểm, doanh nghiệp sẽ phải đóng gộp một khoản thuế khá lớn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi cùng một lúc phải đóng quá nhiều thuế. Do vậy Chính phủ đề nghị tiếp tục giãn trong 3 tháng đầu năm 2010 để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nộp thuế. Tôi cho rằng cái này là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

- Trong báo cáo Ủy ban Kinh tế Ngân sách có đề cập đến việc cần đánh giá lại mục tiêu lạm phát (CPI). Cơ quan này cho rằng chỉ tiêu CPI 7% là quá thấp và nếu không tính toán đúng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch kinh doanh để vay vốn ngân hàng. Ý kiến của ông thế nào?

- Tất nhiên chúng ta sẽ phải tính toán điều hành cho sát với tình hình. Hiện có nhiều giải pháp, nếu lạm phát quá cao các ý nghĩa về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, mục tiêu của Chính phủ là ngăn ngừa lạm phát quay trở lại, lạm phát ảnh hưởng rất nhiều đến các chỉ tiêu. Tôi cho rằng cái này cần phải tính toán kỹ thêm.