Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong thời điểm hiện tại, Chính phủ nhận định chưa đặt vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Tuy vậy, nhận định chung của hầu hết các chuyên gia tại hội thảo "Xu hướng cải cách thuế GTGT và thuế TNDN ở các nước và tác động" do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 8/8, đều cho rằng, nên nghiên cứu biện pháp giảm thuế một cách thiết thực hơn đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ trong việc áp dụng, thi hành thực tế.

Thuế TNDN cần giảm về 20%

Hiện nay, thuế TNDN áp mức phổ thông 25%, theo ông Phạm Minh Đức chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới WorlBank (WB), mức này đã lạc hậu so với bối cảnh thực tế chi phí đầu vào đều tăng cao và việc huy động vốn khó khăn.

Thực tế nghĩa vụ thuế TNDN của DN cao hơn so với con số danh nghĩa này. Cùng với việc quy định các chi phí như tiếp thị quảng cáo, khánh tiết… không được thừa nhận là chi phí hợp lý, khiến mức thuế thu nhập DN thực phải đóng chắc chắn là cao hơn 25%.  Do vậy, theo vị chuyên gia của WB, nếu thuế TNDN giảm xuống sẽ tạo cơ hội để DN tích lũy vốn, tái sản xuất đầu tư, kích thích sản xuất kinh doanh.

Ở khía cạnh khác, ông Tom Mackelland, Chủ tịch Euo Cham cho rằng, 15 năm qua, tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam là 7%, tuy nhiên môi trường kinh doanh hiện tại đã khác. Giảm thuế sẽ đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng suy giảm. Điều rõ ràng, để tăng GDP trên đầu người Việt Nam thì cần tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong chiến lược cải cách thuế của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, thuế suất sẽ được điều chỉnh giảm xuống mức 20% vào năm 2020, so với 25% như hiện nay và xuống 22 - 23% vào năm 2013, ông Mackelland cho rằng, thuế suất thuế TNDN nên mạnh dạn chuyển một bước từ 25% xuống 20% chứ không qua cấp độ 22 hay 23%, và áp dụng trong thời gian sớm nhất có thể.

Nên giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1

Làm thủ tục kê khai thuế tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân. Ảnh: Tú Oanh

Nên áp dụng một mức thuế VAT

Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), danh mục các nhóm hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế hiện nay có 25 nhóm. Tuy nhiên, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có quá nhiều nhóm hàng hoá và dịch vụ không chịu thuế đã gây ra những vấn đề về quản lý và tuân thủ cho người nộp thuế kinh doanh ở cả hai loại hàng hoá và dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế.

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc áp dụng ba mức thuế suất: 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; 5% đối với 15 nhóm hàng hóa dịch vụ thiết yếu và 10% đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại như hiện nay là chưa hợp lý, tạo ra sự không công bằng giữa các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc các mức thuế khác nhau. Quy định này lại dựa trên công dụng của hàng hóa hoặc nguyên vật liệu trong kết cấu nên rất khó xác định thuế suất đối với từng mặt hàng.  Ví dụ, có mặt hàng nguyên liệu mua vào thuế suất 5% nhưng khi thành phẩm bán ra lại nộp thuế 10% và ngược lại.

Theo bà Cúc, Luật Thuế GTGT hiện hành, vẫn tồn tại 2 phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Nhưng ở nhiều quốc gia hiện nay, phương pháp tính thuế trực tiếp đối với các đối tượng kinh doanh nhỏ phải được bãi bỏ khi thiết lập được ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT. Điều này sẽ giúp cải thiện tính tuân thủ về thuế, bởi hoá đơn chứng từ khi áp dụng phương pháp khấu trừ sẽ được lưu giữ trong mọi trường hợp để có thể kiểm tra đối chiếu về sau.

Theo quy định về thuế GTGT, từ ngày 1/3/2012 lãi vay của DN không phải là tổ chức tín dụng phải chịu thuế GTGT. Theo Euro Cham, không có nước nào đánh thuế lãi vay, việc áp dụng loại này sẽ khiến cho bên cho vay nước ngoài và các DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn nước ngoài. Vì vậy, Eurro Cham kiến nghị cần thiết bãi bỏ thuế GTGT đối với lãi này càng sớm càng tốt.

Theo các báo cáo dự toán và quyết toán của Bộ Tài chính giai đoạn từ năm 2007 - 2012, nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước từ thuế luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng nguồn thu và viện trợ của Chính phủ. Tỷ lệ bình quân giai đoạn 2007 - 2011 là 81,5%. Riêng năm 2012, tỷ lệ này được kỳ vọng là 91,14%. Trong tổng 12 nguồn thu từ các loại thuế, thuế TNDN và thuế GTGT chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm (bình quân trên 30% mỗi loại). Tỷ lệ nguồn thu từ thuế trên tổng GDP cũng rất cao, bình quân lên tới 23% một năm.