Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế đã qua “cửa hẹp”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2011 đã có thể "leo thang" 24 - 25% chứ không phải 18,58% nếu như Chính phủ không quyết liệt chỉ đạo kiềm chế lạm phát trong năm qua, các bộ, ngành và địa phương không thực thi Nghị quyết 11 một cách thật triệt để.

CPI và GDP tăng hợp lý

Những nhận định nêu trên của ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), Bộ KH & ĐT được đưa ra tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2011, tổ chức ngày 29/12. Cũng theo ông Thức, kết quả CPI và GDP năm 2011 đạt khá sát mục tiêu đã được Chính phủ điều chỉnh từ giữa năm (tháng 6/2011), song vẫn cách xa chỉ tiêu Quốc hội giao cuối năm 2010. Nhưng xét trong bối cảnh sản xuất rất khó khăn và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,  mức tăng 5,89% so với năm 2010 của GDP năm nay khá cao và hợp lý. Cụ thể, GDP quý I tăng 5,57%; quý II tăng 5,68%; quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,1%. Có một lưu ý từ các con số trên là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quý IV/2011 đã không "bứt phá" theo quy luật các năm trước.

Trong 5,89% tăng trưởng toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, đóng góp 2,32 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 6,99%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm.

Chỉ số CPI tháng 12/2011 chỉ tăng 0,53% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,38% và 1,98% của cùng kỳ năm 2010). Trong đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,86%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,68%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng; đồ uống; văn hóa, giải trí, du lịch; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; giáo dục; riêng bưu chính viễn thông giảm 0,09%. Tính bình quân chỉ số CPI năm nay tăng 18,58% so với bình quân năm 2010. Ông Đỗ Thức cho rằng, nếu không có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, CPI năm 2011 có lẽ đã "leo" lên 24 - 25%. “Việc điều hành năm nay đã kiên quyết hơn, việc thực thi cũng triệt để hơn” - ông Thức nhấn mạnh.

Không quá lo ngại về tồn kho

Theo TCTK, ngành công nghiệp năm 2011 phát triển chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2011 tăng 6,8% so với năm 2010, thấp hơn 2,5 % so với tốc độ tăng của năm 2010 và thấp hơn 0,3% so với tốc độ tăng của năm 2009 là năm kinh tế thế giới và Việt Nam rơi vào khủng hoảng.

Trong đó, ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%. Riêng sản xuất, phân phối điện, ga, nước (chiếm 8% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2010) năm nay tăng 10%. Đây là ngành đòi hỏi tăng trưởng ít nhất 15 - 17% mỗi năm mới đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt, mức tăng của năm nay cũng thấp hơn các năm trước (năm 2010 tăng 14,9%, năm 2009 tăng 11,9%).

Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp (TCTK) Phạm Đình Thúy lý giải: Năm qua thị trường xuất khẩu giảm, sức cạnh tranh với các nền kinh tế ngày càng khốc liệt, trong khi điều kiện kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam nói chung thấp, đây cũng là năm các doanh nghiệp, đặc biệt ở Việt Nam gặp khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng vẫn cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí không ít phá sản, giải thể.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2011, của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo TCTK, cùng kỳ năm trước chỉ số này là 127,9%. Do đó, cũng không quá lo ngại về con số tồn hàng tồn kho của năm nay.

Dự báo tình hình kinh tế năm 2012 tiếp tục khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ, do đó doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh để hàng tồn kho nhiều và kéo dài.