Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế Mỹ: Quá sớm để lạc quan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh nhiệm kỳ Tổng thống khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ sắp kết thúc, ông chủ Nhà Trắng Barack Obama vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế.

Nợ công và thất nghiệp đều gia tăng, trong khi tăng trưởng suy giảm đã phản ánh tình trạng sức khỏe đáng báo động của nền kinh tế hàng đầu thế giới và đe dọa trực tiếp đến khả năng tái đắc cử của ông Obama.
 
Ngày 11/9, hãng xếp hạng tín dụng Moodys cảnh báo, Mỹ sẽ khó duy trì xếp hạng AAA với triển vọng tiêu cực đến năm 2014. Kịch bản duy nhất giúp Mỹ duy trì được xếp hạng tín nhiệm AAA và nâng triển vọng xếp hạng từ tiêu cực lên ổn định là Quốc hội đạt được thỏa thuận giảm tỷ lệ nợ công/GDP trong trung hạn, giúp bình ổn thị trường. Ngược lại, nếu thỏa thuận về ngân sách quốc gia không được thông qua, "vách đá tài chính" sẽ được dựng lên, đẩy nền kinh tế Mỹ rơi trở lại suy thoái vào đầu năm 2013 khi phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu khoảng 1.200 tỷ USD.
 
Nền kinh tế Mỹ: Quá sớm để lạc quan - Ảnh 1
 
Nợ công và thất nghiệp vẫn là những thách thức lớn của nền kinh tế Mỹ.
 
Tất nhiên, khi tình huống này xảy ra, việc hạ xếp hạng của Mỹ xuống Aa1 chỉ còn là vấn đề thủ tục. Trên thực tế, hiểm họa đe dọa sự thịnh vượng của nước Mỹ đang dần hình thành từ khoản nợ quốc gia vừa lần đầu tiên vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD hôm 4/9 vừa qua. Mỹ chưa bao giờ ngừng vay nợ của thế giới nhưng từ năm 1970 tới nay, nợ công của quốc gia này cứ 7 năm lại tăng hơn gấp đôi, phản ánh sự mất cân đối mạnh mẽ trong cán cân thu chi.
 
Đặc biệt, do hậu quả của khủng hoảng toàn cầu 2007 - 2009, khoản nợ quốc gia của Mỹ trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Obama đã tăng hơn 6.000 tỷ USD, gấp 4 lần mức tăng dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush và gấp hơn 5 lần mức tăng dưới thời của cựu Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, cảnh báo trên của Moody's dường như không có nhiều tác động đến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Chủ tịch Hạ viện John Boehner nhận định, khả năng Mỹ bị hạ mức tín nhiệm là khó tránh khỏi do Quốc hội sẽ không thể thực hiện các cuộc đàm phán nghiêm túc cho đến ít nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
 
Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra báo cáo đáng thất vọng về tình hình việc làm của nước này trong tháng 8/2012, theo đó tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng trên 8% ở tháng thứ 43 liên tiếp. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng yếu ớt và lạm phát thấp cho thấy tình trạng nền kinh tế Mỹ đã tồi tệ hơn dự đoán và chính phủ nước này sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm ra phương cách giải quyết các vấn đề trên.
 
Những biểu hiện yếu kém trên chắc chắn sẽ buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải ra tay hành động để đưa nền kinh tế số một thế giới trở về quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, kể cả khi FED ban hành gói nới lỏng định lượng thứ 3 để tiếp sức cho thị trường, vẫn còn quá sớm để lạc quan trước biến chuyển của kinh tế Mỹ khi khủng hoảng nợ công châu Âu và sự suy giảm tăng trưởng tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường toàn cầu.