Đề xuất học sinh phổ thông nghỉ thứ Bảy, Chủ nhậtTheo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, so với Dự Luật đã trình Quốc hội trước đó, Dự Luật lần này bổ sung chính sách với nhà giáo và miễn học phí THCS; có chính sách chăm lo cho bậc mầm non, trước mắt là các cháu 5 tuổi (không phân biệt công tư)... Về lương giáo viên, Dự Luật khẳng định lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đào tạo sư phạm theo nhu cầu, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và tín dụng sư phạm.
|
Học sinh trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì trong giờ học chính khóa. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, về thời gian học tập của học sinh (HS) phổ thông, Ủy ban đề xuất không học cuối tuần ở các cơ sở giáo dục. Góp ý vào nội dung này, TS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng, nên quy định số tiết học của HS phổ thông trong một ngày chính xác hơn là buổi, khái niệm “cuối tuần” khá mơ hồ; đồng thời để tránh tình trạng vì học 2 buổi và sĩ số HS/lớp tăng lên đến 60 - 70. Chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào sĩ số HS/lớp, xét về thực tế không nên bố trí sĩ số HS quá 40.
PGS.TS Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục tán thành việc HS phổ thông không học thứ Bảy, Chủ nhật để phù hợp với Bộ Luật Lao động, “trả” các em về cho gia đình để trải nghiệm cuộc sống, gắn kết yêu thương. Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng, không nên bỏ học thứ Bảy, Chủ nhật, mà nên giao các trường chủ động bố trí lịch học. Nhất là tới đây thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, có nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, nếu nghỉ thứ Bảy các em bị hạn chế thời gian trải nghiệm.
Nên giữ kỳ thi THPTLiên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, các chuyên gia đều thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, vì nếu không thi HS sẽ không học. Theo TS Trần Thị Tâm Đan, nên giữ kỳ thi như hiện nay: Thi tại địa phương, có sự tham gia của các trường ĐH, đề thi trong chương trình lớp 12, bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp và phân hóa tạo điều kiện cho việc tuyển sinh. Chấm thi có sự quản lý của Bộ GD&ĐT; tổ chức các cụm chấm thi cho một số tỉnh và huy động giáo viên chấm thi ở các trường ĐH cũng như các địa phương.
Các ý kiến khác cũng đồng tình, ít nhất phải giữ kỳ thi hiện tại trong 2 - 3 năm tới, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện giải pháp để bảo đảm kỳ thi an toàn, trung thực. Tương lai, nên giao việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương, việc xét tuyển là tự chủ của các trường ĐH.
Về chính sách giáo viên, các đại biểu đều đồng ý lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đồng thời đề nghị giữ chế độ phụ cấp thâm niên vì đây là đặc thù của ngành giáo dục. Nếu luật hóa được điều này sẽ có ý nghĩa tôn vinh nhà giáo rất lớn. Tuy nhiên, các ý kiến cũng góp ý, như các ngành khác, ngành giáo dục phải sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảm biên chế thừa… để khích lệ sự sáng tạo.
Liên quan đến quy định đào tạo sư phạm, các chuyên gia cho rằng, sinh viên sư phạm chỉ có ngành giáo dục sử dụng, vì vậy nên đầu tư cho một số trường sư phạm trọng điểm, đào tạo có chất lượng toàn diện, số lượng vừa đủ, bảo đảm việc làm, không thể đào tạo tràn lan như vừa qua.