Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên xã hội hóa đào tạo tiến sĩ

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vấn đề siết chặt chuẩn đầu vào và đầu ra để nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ (TS), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bộ GD&ĐT cũng như trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ (TS) nhằm nâng chất lượng đào tạo. Việc này liệu có hướng hoạt động đào tạo đi vào thực chất, thưa ông?
- Đào tạo TS nói riêng và chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quy chế đào tạo TS chỉ là một yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo ra được khung, chuẩn về tổ chức, quản lý hướng tới chuẩn quốc tế. Trong đào tạo TS, người thầy vô cùng quan trọng. Thầy vừa phải giỏi về chuyên môn, vừa phải có tâm mới đào tạo được những TS giỏi. Muốn làm được như vậy, thu nhập của người thầy phải bảo đảm để thầy toàn tâm hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS).

Về phía những người học TS, cần có những điều kiện gì, thưa ông?

- NCS phải là những người muốn học thật, làm thật, thực sự mê nghiên cứu khoa học để sau này sử dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng. NCS sau khi tốt nghiệp rất cần môi trường làm việc phù hợp để phát huy tài năng, cống hiến. Tất nhiên, họ cũng phải sống được với nghề của mình. Sở dĩ tôi nói vậy bởi đa số những người học TS làm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy thường có thu nhập thấp. Theo tôi, để đào tạo TS đạt chuẩn, cần những điều kiện về môi trường học tập, phòng thí nghiệm, khả năng tiếp cận với thư viện...

Có nhiều ý kiến đề nghị nên gửi NCS ra nước ngoài học TS để đảm bảo chất lượng, thưa ông?

- Chúng ta nên áp dụng các hình thức đào tạo TS khác nhau, từ trong nước cho đến liên kết với nước ngoài, gửi NCS ra các nước học. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nên tập trung, chú trọng vào việc đào tạo trong nước, bởi chúng ta đang quản lý theo sản phẩm đầu ra. Sản phẩm cuối cùng của đào tạo TS là đạt được các yêu cầu như quy định. Hơn nữa, đã có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên tốt nghiệp TS ở các trường nước ngoài có uy tín, họ hoàn toàn có đủ năng lực để đào tạo.

Tuy nhiên, việc kết hợp với nước ngoài đào tạo TS là cần thiết, qua đó nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, giúp sinh viên tiếp cận môi trường quốc tế. Khi NCS ra nước ngoài học TS sẽ có nhiều lợi ích hơn trong nước, họ được tiếp cận khoa học thế giới, tạo ra mối quan hệ với các nhà khoa học quốc tế. Nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, muốn nâng tầm đào tạo trong nước, việc gửi NCS ra nước ngoài phải rất chọn lọc.

Nhưng mức đầu tư đào tạo TS hiện nay được cho là quá thấp, liệu có đạt chất lượng như mong đợi?

- Theo tôi, đào tạo nên được xã hội hóa, có sự phối hợp giữa Nhà nước và người dân sẽ phù hợp hơn. Đến một thời điểm nào đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư kinh phí đào tạo TS ở những ngành mũi nhọn và quan trọng, cụ thể là Sư phạm, An ninh, Kỹ thuật, Công nghệ cao thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hay những ngành cần cho sự phát triển kinh tế đất nước trong tương lai như nông nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, chỉ những trường theo định hướng nghiên cứu mới được giao đào tạo TS, còn những trường ứng dụng thực hành thì không nên?

- Đó là sự phân biệt cứng nhắc. Cơ sở giáo dục nào cũng có thể đào tạo TS, miễn là đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn (về số lượng và chất lượng) được đặt ra như trong quy chế. Nếu cứ đưa ra một cách cứng nhắc trường định hướng nghiên cứu mới được đào tạo TS thì muôn đời trường nhỏ không thể phát triển được. Quan trọng là các cơ sở có đạt yêu cầu về chất lượng đào tạo TS hay không và sản phẩm đầu ra thế nào.

Xin cảm ơn PGS!