Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nestlé cũng liên quan đến vụ bê bối "ngựa giả bò"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 19/2, Nestlé đã thông báo thu hồi hai loại mỳ thịt bò ăn liền tại các chuỗi siêu thị ở Italy và Tây Ban Nha sau khi các xét nghiệm ADN cho thấy có thành phần thịt ngựa trong đó.

Nestlé - hãng thực phẩm lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Điển và JBS - nhà sản xuất thịt bò hàng đầu thế giới của Brazil, đã trở thành những cái tên mới nhất trong danh sách các công ty thực phẩm có liên quan đến vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" đang gây chấn động trên toàn châu Âu trong hơn tuần qua.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: EPA)

Ngày 19/2, Nestlé đã thông báo thu hồi hai loại mỳ thịt bò ăn liền tại các chuỗi siêu thị ở Italy và Tây Ban Nha sau khi các xét nghiệm ADN cho thấy có thành phần thịt ngựa trong đó.

Một món bột hấp đông lạnh chứa phomát, sốt cà chua và thịt bò của Nestlé, chuyên cung cấp cho các hãng giải trí, cũng buộc phải rút khỏi thị trường Pháp và Bồ Đào Nha do phát hiện có thịt ngựa.

Nestlé cho biết thịt bò chế biến các sản phẩm trên do công ty HJ Schypke của Đức cung cấp.

Mặc dù khẳng định không gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, Nestlé thừa nhận việc dán nhãn mác sai đối với sản phẩm ăn uống là phụ lòng tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, công ty này tự nguyện thu hồi ngay lập tức hai sản phẩm mỳ thịt bò trên tại Italy và Tây Ban Nha, đồng thời thông báo ngừng phân phối tất cả những sản phẩm dùng nguồn nguyên liệu thịt bò do công ty HJ Schypke cung cấp.

Nestlé cũng xin lỗi khách hàng và đảm bảo rằng sẽ hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng thực phẩm trên, nhằm lấy lại lòng tin người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng liên quan đến vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò," ngày 19/2, công ty sản xuất thịt bò JBS của Brazil thông báo đã mua nguồn nguyên liệu thịt bò từ công ty HJ Schypke, tuy nhiên cho rằng không dính líu đến vụ bê bối thực phẩm tại châu Âu.

JBS cho biết sẽ ngừng mua thịt bò từ châu Âu cho đến khi hệ thống cung ứng thịt bò của châu lục này "lấy lại được sự tín nhiệm của người tiêu dùng."

Trong khi đó, ngày 19/2, Hạ viện Anh đã ngừng bán bốn sản phẩm thịt bò trong các thực đơn ở căngtin Hạ viện cho đến khi có kết quả xét nghiệm về thành phần thực trong những đồ ăn này.

Nhà chức trách Anh cho rằng các biện pháp kiểm tra đối với những sản phẩm có nguyên liệu từ thịt bò được tiến hành như một hình thức cảnh báo đối với các nhà sản xuất châu Âu, vốn được tín nhiệm luôn đặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

Cùng ngày, hãng cung cấp nguyên liệu thực phẩm HJ Schypke của Đức ra thông báo khẳng định đã mua tất cả các nguyên liệu thịt, kể cả tươi sống hoặc đông lạnh, từ các nguồn được kiểm chứng, và khẳng định không bao giờ mua thịt ngựa.

Hãng tỏ ý tiếc vì vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" kể trên, đồng thời cam kết sẽ tiến hành xét nghiệm ADN đối với nguồn nguyên liệu thô trong tương lai.

Trước đó, nhà chức trách Đức cho biết đã phát hiện thấy 24 trong tổng số 360 mẫu thực phẩm thử chính thức có thành phần thịt ngựa nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để quy trách nhiệm cho bên nào trong vụ bê bối làm rúng động cả châu Âu này.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 15 nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thực phẩm "rởm," khiến nhiều chuỗi siêu thị tại châu Âu phải thu hồi toàn bộ sản phẩm ăn sẵn nghi có thành phần "thịt ngựa giả thịt bò".