Một người phụ nữ tên An lại kể: Càng sống bên cạnh chồng, chị càng thấy anh không hiểu chị. Những lúc ốm đau, chị cũng chưa bao giờ nhận được từ anh một lời quan tâm, động viên. Dù không nói ra, nhưng nỗi buồn trong tâm hồn cứ lớn dần lên, khiến chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Chị càng cố gắng gần gũi để anh hiểu chị thì anh càng xa cách. Nhưng ngày lễ, Tết, chị vui vẻ nhận lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp nhưng khi về đến nhà nụ cười trên môi không còn vì không khí gia đình lạnh lẽo. Đó chính là lý do dẫn tới đổ vỡ hạnh phúc gia đình chị.
Trở lại câu chuyện của anh Tuân. Bây giờ những lúc rảnh rỗi, anh thường về nhà sớm, ngồi một mình suy ngẫm. Anh tâm sự, khi tự nếm trải cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình, anh mới thấm thía thật nhiều giá trị của gia đình. Anh cứ ước giá như sớm nhận ra rằng sức chịu đựng của mỗi người đều có hạn. Giá như anh hiểu hạnh phúc không phải chỉ là giang tay đón nhận, là một sự hiển nhiên phải ở mãi bên. Không phải anh không yêu gia đình, nhưng chỉ vì anh quá coi nhẹ những va chạm vụn vặt, thất vọng nhỏ nhặt, lo toan mà gia đình nào cũng có.
Từ thực tế cuộc sống, nhiều người cũng rút ra bài học: Hạnh phúc gia đình rất cần được nuôi dưỡng và để tình cảm vợ chồng mỗi ngày lại khăng khít hơn. Hôn nhân không thể thiếu những quan tâm nhỏ nhất khi ốm đau, cảm xúc buồn vui, hạnh phúc. Khoảng trống thời gian trong đời sống vợ chồng tuy không ảnh hưởng tới hạnh phúc mạnh như mâu thuẫn, cãi vã hay bạo lực, nhưng nó âm thầm gặm nhấm, làm cho tình cảm đôi lứa ngày càng cách xa. Muốn ngọn lửa tình yêu luôn cháy, cần sự chia sẻ và quan tâm của cả hai người.