Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, đa số đại biểu đều tán thành với những báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, trước vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2013 chỉ đạt 5,4%, thấp hơn kế hoạch, hụt thu ngân sách lớn, doanh nghiệp gặp khó khăn, sức mua giảm sút, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân của những hạn chế trên. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nhận định: “Kinh tế trì trệ như hiện này là do quá thiên về ổn định vĩ mô, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc kiểm soát lạm phát”.
Lý giải tình hình nội tại nền kinh tế đáng quan ngại như: GDP tăng trưởng thấp, sức cạnh tranh kém, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thâm hụt ngân sách tăng cao… Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) nói, có 3 lo lắng, đó là dù kinh tế phục hồi nhưng niềm tin thị trường chưa được phục hồi, nhiều doanh nghiệp không mặn mà vay vốn, dù lãi suất chỉ 5-6%. Thứ hai, xuất khẩu tăng nhưng tính cạnh tranh kém. Thứ ba, thâm hụt ngân sách và nợ đọng đã ở mức “điểm màu”. Thừa nhận mục tiêu, nhiệm vụ 2014 tăng GDP khoảng 6%, lạm phát khoảng 7% là hợp lý, song đại biểu Lịch cho rằng, trong chính sách tài khóa, điều hành cố gắng sử dụng hiệu quả dòng tiền ngân sách.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Liên quan đến "chủ đề nóng" bội chi ngân sách, các đại biểu đều cho rằng nên cho phép phát hành trái phiếu, nới trần bội chi để thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư, không tăng đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài.
Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh khoản vốn tăng thêm cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục việc đầu tư dàn trải, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực thiết yếu, các dự án tạo sự thay đổi về cục diện. Về lâu dài, khi kinh tế hồi phục phải giảm tỷ trọng đầu tư công và tăng dần tỷ lệ đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, Chính phủ cần bán vốn tại một số doanh nghiệp để tăng thu ngân sách, đẩy nhanh cổ phần hóa đến năm 2015, có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tín dụng vào những lĩnh vực hợp lý.
Về tình hình tái cơ cấu kinh tế, các đại biểu nhận xét, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều ngành, sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, chưa gắn được nhiều với mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới công nghệ còn chậm. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư còn thấp. Giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn chậm. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu; Quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn chậm, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.
Các đại biểu nhận định, nền kinh tế đứng trước thách thức: Một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực; Mặt khác những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội. Do đó, tình hình của nền kinh tế hiện nay, nếu cứ xử lý ngắn hạn thì sẽ lại luẩn quẩn, hàng năm hết lo lạm phát lại sốt ruột vì tăng trưởng, sẽ làm mất niềm tin của cả doanh nghiệp và nhân dân.
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2013 ngân sách ước hụt thu khoảng 63.630 tỷ đồng. Về tái cơ cấu nền kinh tế dù đã được triển khai tích cực nhưng tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng mới dừng ở sắp xếp, định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành, kết quả mang lại từ quá trình này còn chậm.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế, xã hội.