Cụ thể là mỗi khi ông Trần Quốc Tuấn - nguyên Ủy viên Thường vụ AFC ngồi ở khu kỹ thuật Đội tuyển Việt Nam thì y như rằng, các trọng tài không dám xử ép.
Điều mà nhà báo Nguyễn Nguyên từng viết không hề sai. Các nền bóng đá thường cố gắng để các thành viên của mình tham gia thật sâu vào các tổ chức quốc tế. Bởi lẽ, tham gia các tổ chức quốc tế là cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu nền bóng đá và thương hiệu quốc gia. Nói đâu xa, mỗi lần AFC, FIFA tiến hành bầu cử thì lập tức Việt Nam liên tục được đón tiếp các phái đoàn ngoại giao của các nước có ứng viên tranh cử. Thậm chí, Bộ Ngoại giao, đại sứ của những nước này cũng vào cuộc một cách tích cực.
Ở Việt Nam, nhiều lần chúng ta thấy ích lợi của việc có nhiều cá nhân tham gia các tổ chức quốc tế. Đầu tiên, Việt Nam được chọn là chủ nhà của nhiều sự kiện quốc tế. Tiếp đó, việc mời các đội bóng quốc tế cũng dễ và không còn tốn kém tài chính như trước vì các “ông lớn” rất muốn lấy lòng VFF. Nói đâu xa, HLV Miura và Takashi sang Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính rất lớn của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Điều này có được là do Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá nước này có hứa với VFF trong quá trình vận động vào chiếc ghế Thường vụ AFC.
Ai cũng thấy ích lợi của mặt trận quan hệ quốc tế. Thế nhưng, đó là khi người ta yêu nhau, còn khi đã không thích thì lại là một chuyện khác. Nói đâu xa, việc ông Tuấn có nhiều chức danh ở các tổ chức quốc tế đã bị đưa ra là cái cớ để chỉ trích. Người ta không cần quan tâm những chức danh ấy giúp ích gì cho bóng đá Việt Nam và đảm nhiệm cương vị đó, ông Tuấn có hoàn thành được nhiệm vụ của mình hay không.
Vậy mới nói, một khi đã yêu thì méo cũng tròn, còn đã có cách nhìn khác thì những điều tưởng chừng là chân lý cũng biến thành sai. Nhưng, với một nền bóng đá vốn rất dễ bị tổn thương thì những cách đánh giá mang cảm xúc cá nhân lại trở thành điểm cơ hội để người ta thực hiện những toan tính cá nhân. Và cuối cùng, nó khiến dư luận hiểu sai về sự việc và bầu không khí bóng đá trở nên ngột ngạt, tiêu cực.
Ảnh minh họa
|