Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Iraq phản đối việc cá nhân hóa giải quyết xung đột Israel - Palestine

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 ngoại trưởng Nga và Iraq đều ủng hộ Palestine và Israel thúc đẩy đối thoại trực tiếp để đạt được thỏa thuận về giải pháp hai nhà nước.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov  và người đồng cấp Iraq Mohamed Ali Alhakim gặp nhau tại thủ đô Baghdad hôm 7/10.
“Nga và Iraq phản đối những nỗ lực cá nhân hóa nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Palestine và Israel” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 7/10 sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Iraq Mohamed Ali Alhakim tại thủ đô Baghdad.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý thêm, đối với cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, cả Nga và Iraq đều ủng hộ tất cả các quyết định của Liên Hợp quốc, cũng như nỗ lực thúc đẩy các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên để đạt được thỏa thuận về giải pháp 2 nhà nước. "Chúng tôi tin rằng những nỗ lực của việc cá nhân hóa quá trình giải quyết cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel sẽ phản tác dụng" - ông Lavrov cho hay.
Quá trình đàm phán giữa Palestine và Israel đã bị đóng băng kể từ năm 2014. Tất cả các mối liên hệ được thực hiện thông qua vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập. Diễn biến cuộc xung đột tại Trung Đông leo thang sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới TP này. Ngay sau quyết định của Washington, Palestine tuyên bố rằng “cánh cửa đối thoại với Israel đã bị đóng”.
Ngày 25/6 vừa qua, Mỹ chính thức khởi động phần kinh tế trị giá 50 tỷ USD trong kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn có tên gọi là "Thỏa thuận thế kỷ", đồng thời cho rằng con đường theo hướng thúc đẩy đầu tư cho Palestine là điều kiện tiên quyết cần thiết để chấm dứt hàng thập kỷ xung đột.
Đây là gói kế hoạch phát triển kinh tế trị giá 50 tỷ USD dành cho người dân Palestine, Jordan, Ai Cập và Lebanon nhằm thúc đẩy hòa bình trong khu vực. Kế hoạch gồm hai phần là kinh tế và chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Theo kế hoạch, hơn 25 tỷ USD sẽ được đầu tư trên lãnh thổ của Palestine trong suốt 10 năm, số còn lại sẽ được chia cho Lebanon, Ai Cập và Jordan.
Tuy nhiên, kế hoạch này bị người Palestine và nhiều người dân trong cộng đồng Ả Rập phản đối, trừ những đồng minh Mỹ như Ả Rập Saudi âm thầm đồng ý.