Các biện pháp trừng phạt áp đặt trong cuộc khủng hoảng Ukraina có tác dụng ngăn chặn việc tiếp cận tín dụng và công nghệ phương Tây cho người dân và các doanh nghiệp liên kết với Tổng thống Putin, khiến cho Moscow khó khăn hơn để vượt khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng bởi giá dầu thấp. Hồi đầu tháng này, EU đã mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế Nga cho đến đầu năm 2017, bất chấp mối nghi ngại từ một số nước như Slovakia. Một số nhà ngoại giao EU tại Moscow nhận định, Nga đang có “chiến thuật” vận động hành lang với các quốc gia thành viên phía Nam và Đông EU - được cho là mềm dẻo hơn - với hy vọng lệnh trừng phạt sẽ không được gia hạn. "Nga đang không ngừng cố gắng tìm cách hạn chế các biện pháp trừng phạt bằng một cách tiếp cận nhẹ nhàng", một trong những nhà ngoại giao nói.
Tổng thống Nga Putin đang có đối sách nhắm đến các quốc gia Nam và Đông EU. |
"Kết quả là chúng ta đang nhìn thấy ngày càng nhiều nước nói rằng chúng ta nên phân tích các biện pháp trừng phạt, đánh giá ảnh hưởng và xem xét lại một lần nữa”, nhà ngoại giao này nhấn mạnh. Italia, Hy Lạp, Hungary, Slovenia, Slovakia và Bulgaria là một trong số những mục tiêu của Moscow. Ngày 30/7, ông Putin sẽ đến Slovenia, chủ trì một hội nghị thượng đỉnh tập trung vào thương mại và đầu tư, như là một phần trong kế hoạch vận động hành lang. Nga từng là một thị trường xuất khẩu lớn cho các sản phẩm thực phẩm từ Slovenia trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra. Bên cạnh đó, đường ống dẫn tiềm năng chở khí gas của Nga tới miền nam châu Âu cũng là điều mà chính phủ Slovenia mong muốn.