Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn bánh Trung thu kém chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chưa đến Tết Trung Thu, nhưng thị trường bánh nướng, bánh dẻo đã sôi động từ hơn một tháng nay với hàng trăm thương hiệu, mẫu mã.

Vậy nhưng, cho dù là bánh có giá 20.000 đồng/chiếc hay vài trăm ngàn đồng/chiếc thì vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đều phải được đặt lên hàng đầu.

Tự tay làm chưa chắc đã an toàn

Những năm gần đây, phong trào làm bánh Trung thu hay còn gọi là bánh Trung thu “handmade” nở rộ. Năm nay, bên cạnh những loại bánh truyền thống các bà nội trợ còn sáng tạo thêm nhiều loại như bánh rau câu, bánh làm từ quả thanh long... Nguyên liệu làm ra các loại bánh này cũng được dịp “nóng” theo trào lưu “handmade”. Điều đáng nói, những đầu bếp nghiệp dư này mới chỉ quan tâm đến công dụng của nguyên liệu, hiếm người để ý tới nguồn gốc hay vấn đề đảm bảo ATTP của loại nguyên liệu mình lựa chọn.

Chị Nguyễn Thu Trang (quận Hà Đông) – người có “thâm niên” làm bánh Trung thu “handmade” cũng phải thừa nhận, vì là sở thích nên khi đi mua nguyên liệu về làm bánh cũng chỉ chú ý đến tác dụng, mùi vị và giá thành. Chị Trang cho biết, các loại nước đường, nước hoa bưởi, nước trò tàu (có công dụng là mềm vỏ bánh và giữ màu cho bánh nướng) mà chị mua đều được người bán hàng chiết sang chai lavie nhỏ từ những can nhựa không có nhãn mác.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bánh Trung thu trên phố Tôn Đức Thắng. 	 Ảnh: Quỳnh Linh
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bánh Trung thu trên phố Tôn Đức Thắng. Ảnh: Quỳnh Linh
Không chỉ chị Trang mà rất nhiều người khác đã “tặc lưỡi” bỏ qua vấn đề ATTP với nguồn nguyên liệu đầu vào này. Với giá thành rẻ chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg bột làm bánh nướng, 60.000 – 90.000 đồng/kg nhân bánh (đậu xanh, khoai môn, hạt sen, thập cẩm…), thì chất lượng cũng đã khó có thể đảm bảo chứ chưa kể đến vấn đề ATTP.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, mỗi loại nguyên liệu (bột, nhân, gia vị...) làm bánh Trung thu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây nên các loại bệnh như tụ cầu, tả, lị, thương hàn, ký sinh trùng...

Ngoài ra, mỗi loại bánh đều có nguy cơ ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo màu cấm sử dụng...). Thêm nữa, điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, đều có nguy cơ chứa đựng các tác nhân gây ô nhiễm bánh. Việc không bảo đảm ATTP của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh ly truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người sử dụng.

Siết chặt quản lý

Cuối tháng 8 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 11 Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát môi trường và Công an quận Tây Hồ đã thu giữ 2.000kg nhân bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số nhân bánh này được đóng gói trong các bịch nilon hút chân không gồm nhiều loại như cốm, đậu đỏ, đậu xanh…

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thu giữ 50.000 quả trứng muối, nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu không rõ nguồn gốc. Theo đại diện của cơ quan chức năng, lô hàng này đều in chữ Trung Quốc bên ngoài và dự định giao cho các cơ sở sản xuất bánh Trung thu nếu không bị phát hiện. Trước thực trạng trên, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra quy trình sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn.

 Theo thống kê sơ bộ của Chi cục ATVSTP Hà Nội, từ 1/9 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của TP và Phòng Y tế các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra 125 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, trong đó xử lý vi phạm 25 cơ sở với số tiền phạt hơn 62 triệu đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra còn thu giữ thêm 1.000kg nhân bánh từ Trung Quốc “tuồn” vào Việt Nam. Các đoàn kiểm tra đã lấy 17 mẫu bánh để xét nghiệm. Kết quả sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày tới.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng cho biết, ngoài kiểm tra các cơ sở sản xuất, ngành chức năng sẽ tập trung giám sát các cơ sở đầu mối chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các DN và đơn vị sản xuất trên địa bàn. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt từ nguồn, cơ sở mua nguyên liệu ở đâu phải có nguồn gốc, xuất xứ và phải được kiểm soát. Từ nay đến rằm Trung thu, công tác kiểm tra tiếp tục được tăng cường, phát hiện kịp thời vi phạm và xử lý nghiêm, đặc biệt là với người đứng đầu cơ sở sản xuất.

Dẫu vậy, công tác thanh kiểm tra cũng chỉ là một phần trong công tác đảm bảo ATTP với mặt hàng bánh Trung thu, điều cốt lõi là sự lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng. Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng nên cân nhắc trong việc lựa chọn nguyên liệu làm bánh phải có nhãn mác đầy đủ. Đối với bánh Trung thu mua sẵn cần phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Ngoài ra, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng, được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy, tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Không lựa chọn bánh bị dập nát, biến dạng, bao bì rách nát, có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng, có mùi khác lạ và khi mua bánh về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ.
Khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo người tiêu dùng có thể liên hệ với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hà Nội), Chi cục ATVS TP (Sở Y tế Hà Nội), Sở NN&PTNT Hà Nội và chính quyền địa phương, hoặc có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng (043.7757277) của Chi cục ATVS TP. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận thông tin, đồng thời cùng các cơ quan chức năng khác kiểm tra, giám sát những nơi sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu chưa đạt yêu cầu.
Ông Trần Ngọc Tụ Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP Hà Nội