Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn kịp thời dịch bệnh và hàng lậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong hai tuần qua, dịch tai xanh tiếp tục phát sinh thêm tại hai tỉnh mới. Do vậy, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp cùng các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi và tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sau 3 hội nghị kiểm soát gia súc, gia cầm nhập lậu do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội, Nha Trang và TP. HCM, từ cuối tháng 10 đến nay, tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới đã cơ bản được kiểm soát. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời điểm này, ngoại trừ gà trắng và lợn đang rớt giá, một số mặt hàng khác của ngành chăn nuôi như gà lông màu, trứng, sữa vẫn đảm bảo có lãi cho người chăn nuôi.
 
Ngăn chặn kịp thời dịch bệnh và hàng lậu - Ảnh 1
 
Đội quản lý thị trường số 4, Hà Nội đưa gà nhập lậu đi tiêu hủy.
 
 
Cụ thể, giá gà lông màu đang tăng nhẹ, đạt 47.000 - 48.000 đồng/kg, giá gà lai 65.000 - 67.000 đồng/kg. Chăn nuôi lợn mặc dù vẫn đang lỗ nhưng hiện giá lợn xuất chuồng ở các tỉnh phía Nam trong những ngày gần đây đã tăng lên 2.000 - 3.000 đồng/kg. Về tình hình dịch bệnh, theo Cục Thú y, hiện dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng đã được khống chế, không phát sinh thêm ổ dịch mới.
 
Tuy nhiên, trong hai tuần qua, dịch lợn tai xanh đã bùng phát thêm ở hai tỉnh mới là Kon Tum và Sóc Trăng, làm gần 600 con lợn mắc bệnh. Như vậy, đến nay cả nước vẫn còn 6 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. "Nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới trên địa bàn các tỉnh có dịch, địa bàn có ổ dịch cũ và các vùng trọng điểm chăn nuôi là rất cao do hoạt động chăn nuôi gia tăng phục vụ tiêu dùng cuối năm" - ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhận định.
 
Dự báo, với lượng cung và sức tiêu thụ như hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm. Trong trường hợp nhu cầu tăng mạnh vào dịp Tết, lượng nhập khẩu cũng không nhiều.
 
10 tháng của năm 2012, tổng lượng thịt nhập khẩu chính ngạch vào nước ta khoảng 56.000 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.Tuy nhiên, để đảm bảo được nguồn cung ổn định cho thị trường Tết, vấn đề kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có vai trò rất quan trọng.
 
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới. Bởi theo báo cáo của Bộ Công an, trong những ngày đầu tháng 11, công an một số tỉnh như Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật (xương, mỡ, nội tạng) không rõ nguồn gốc.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đề nghị các ngành, địa phương kiên quyết vào cuộc, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Đồng thời, giao Cục Thú y xây dựng bản đồ lưu hành virus cúm gia cầm và rà soát toàn bộ số lượng vaccine dự phòng, đặc biệt là vaccine cúm gia cầm để đảm bảo kịp thời phòng, chống khi dịch bệnh xảy ra.