Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng chạy đua số hóa

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao dịch qua các kênh điện tử đồng loạt tăng mạnh. Ngân hàng số (digital banking) đang được coi là xu thế phát triển của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay. Theo các chuyên gia, dịch vụ ngân hàng số sẽ là xu thế của nhiều ngân hàng trong thời gian tới.

Đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng
Vietcombank – một trong những ngân hàng sớm triển khai ngân hàng số đã phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số gồm VCB iBanking, VCB-Mobile Banking, VCBPAY, VCB-SMS Banking và VCB-Phone Banking cùng những tính năng hiện đại mang đến tiện ích tối đa cho nhu cầu của người sử dụng. Ngân hàng này cũng hợp tác với Samsung triển khai thanh toán qua Samsung Pay, “bắt tay” với Moca để triển khai dịch vụ thanh toán thẻ qua di động Vietcombank - Moca; mở rộng loại hình thanh toán QR code...
Bắt nhịp “làn sóng” ngân hàng số, Agribank đã chủ động nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều ứng dụng công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Thông qua việc Agribank triển khai các chương trình khuyến mại, kết hợp triển khai bán theo gói (mở tài khoản và đăng ký sử dụng các dịch vụ), phát triển các tiện ích dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking đã thu hút khách hàng mới mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking. Đến nay, số khách hàng sử dụng những dịch vụ này đạt khoảng 5,8 triệu người.
 Khách hàng tham khảo dịch vụ ngân hàng số của Lienvietpostbank. Ảnh: Công Hùng
Một số ngân hàng Việt Nam đã thực hiện các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa như sử dụng các giải pháp e-banking để cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ của NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Quốc tế (VIB); ứng dụng MyVIB của VIB; ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của Tập đoàn IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Bước tiến ngân hàng số
Trong bối cảnh hạn mức tín dụng hạn hẹp, các ngân hàng đang rầm rộ chuyển hướng sang dịch vụ phi tín dụng và thực tế mảng này đang mang lại nhiều lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của Vietcombank chỉ tăng thêm hơn 4%; tăng trưởng tín dụng thậm chí không dùng hết chỉ tiêu NHNN cho phép, chỉ tăng 14,9%. Chiến lược xoay trục đó cũng cho kết quả thể hiện rõ trong năm 2018, khi lợi nhuận đã không còn dựa quá nhiều vào cho vay, mà tiếp tục gia tăng tỷ trọng từ phi tín dụng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Techcombank, ngân hàng định hướng từ 3 đến 5 năm tới sẽ trở thành ngân hàng đầu tư cho công nghệ nhiều nhất, ngang hàng hoặc cao hơn hầu hết các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á. Hiện 42% tổng lợi nhuận năm 2018 của Techcombank đến từ nguồn thu dịch vụ và kỳ vọng 2 đến 3 năm tới nguồn thu này sẽ chiếm 50%, phần còn lại là thu từ tín dụng.
VietinBank ghi nhận số lượng sử dụng Internet Banking trong nửa đầu năm 2018 tăng đến 114% so với cùng kỳ 2017, với hơn 1,5 triệu tài khoản, giá trị giao dịch đạt 44.260 tỷ đồng. Số người sử dụng Mobile Banking của ngân hàng này cũng đạt hơn 1,5 triệu người, tổng số tiền giao dịch đạt 64.350 tỷ đồng. Sau khi thành lập Trung tâm Số hóa Ngân hàng (Digital Lab), VPBank đạt tỷ lệ giao dịch trực tuyến chiếm hơn 52% tổng lượng giao dịch trong năm 2018...
Ngoài các lĩnh vực đã thực hiện như y tế, giáo dục, chi trả lương, thù lao, thanh toán chi phí (hành chính, điện nước, điện thoại, Internet, văn phòng phẩm...) thì ngân hàng số đang mở rộng và gắn kết vào việc thu phí, lệ phí các dịch vụ công trực tuyến và các dự án xe buýt điện tử, vé tàu điện tử, các giải pháp phát triển đô thị thông minh...
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Chính phủ đặt mục tiêu tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sẽ giảm xuống dưới 10% đến cuối năm 2020. Các hình thức thanh toán điện tử đang nhận được sự ủng hộ của Nhà nước bằng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Nhìn từ lợi thế tỷ lệ dân số dùng Internet cao, khoảng 44% và 143 triệu thuê bao di động, hơn 30 triệu người dùng facebook, thì ngân hàng số, ví điện tử sẽ là một xu thế mới tiềm năng và bùng nổ trong tương lai.
Ngoài việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng số cho khách hàng, các ngân hàng cũng đưa ra các ứng dụng công nghệ số để số hoá quy trình, đơn giản hoá và giảm thiểu thủ tục giấy tờ, phòng tránh được các rủi ro vận hành, chống gian lận, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

"Các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy cơ quan điều phối an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các cảnh báo cũng như hỗ trợ các DN trong quá trình xử lý lỗ hổng bảo mật. " - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Phạm Xuân Hòe


Số liệu mới nhất của NHNN, giá trị thanh toán qua các kênh điện tử đến hết quý III/2018 tăng 18,34% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, thanh toán qua di động và ví điện tử tăng ở mức ba con số, lần lượt là 125,58% và 161%. Số lượng thanh toán qua các kênh Internet, di động và ví điện tử cũng ghi nhận tăng lần lượt là 33,03%, 30% và 29,74%. Đến nay đã có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.