Nói không với mặc cả lãi suất
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, sáng 7/12, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động. Tại Ngân hàng Hàng Hải, lãi suất huy động cao nhất là 11,75% cho kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn khác, kể cả kỳ hạn dài 36 tháng, lãi suất vẫn chỉ dừng lại cao nhất ở mức 11,5%/năm. Tại Techcombank, ACB, lãi suất cao nhất là 12%/năm. Eximbank giảm sâu hơn, mức cao nhất chỉ còn 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Nếu như trước đây, một số ngân hàng có thể "xem xét" mức lãi suất thỏa thuận với những khoản tiền lớn thì hiện nay, dù khách hàng có "mặc cả", ngân hàng cũng đành ngậm ngùi từ chối. "Cũng tiếc lắm chứ, trong bối cảnh khó khăn mà vẫn phải ngậm ngùi để khách mang tiền tỷ ra đi, không gửi vào ngân hàng. Nhưng, xu hướng giờ là vậy. Các ngân hàng bạn đã đồng loạt giảm lãi suất, mình huy động cao sẽ làm thì cân đối để có mức lãi suất cho vay ra cạnh tranh là rất khó"- cán bộ một ngân hàng cổ phần nói.
Tại một phòng giao dịch Vietcombank, thời gian trước nhân viên còn tư vấn khách hàng rút tiền trước hạn có thể thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền sẽ lãi hơn. Nhưng hiện nay, sau khi cân nhắc khả năng giảm lãi suất đang đến gần, việc thế chấp sổ tiết kiệm cho khách vay tiền đã không được các ngân hàng thực hiện. Quan sát tại các ngân hàng, đa số nhân viên đều khuyên khách hàng nên tranh thủ gửi tiết kiệm sớm.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản… gặp khó khăn, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn. Ảnh: Hà Lâm
Tiết kiệm vẫn sẽ hấp dẫn
Theo Báo cáo gửi Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng. Đó là lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%.
Dù lãi suất giảm nhưng nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp. Trong bối cảnh các kênh đầu tư vàng, bất động sản, chứng khoán… đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn thì tiết kiệm vẫn được đánh giá là kênh đầu tư vừa an toàn, vừa hấp dẫn.
Thực tế, từ đầu năm 2012 đến nay, LS đã giảm 5%. Tuy nhiên, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện, có mức tăng khoảng 15%. Điều này cho thấy, tiết kiệm vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của người dân và lòng tin vào VND đang tăng lên đáng kể.
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank cho rằng, việc giảm lãi suất không phải là nới lỏng chính sách tiền tệ mà là căn cứ trên nhu cầu của nền kinh tế, bởi sức cầu của nền kinh tế Việt Nam đang suy giảm mạnh. Bởi vậy, việc tính đến khả năng giảm LS để hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Phước cũng nhấn mạnh rằng, lãi suất chỉ là một phần, quan trọng hơn là sức cầu của nền kinh tế. "Không phải tín dụng thấp làm cho cơ thể doanh nghiệp suy kiệt mà chính là các ngân hàng không thể tìm được "mạch" để bơm vốn. Nền kinh tế cần các chương trình kích cầu mạnh mẽ hơn, để doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa, giảm lượng hàng tồn kho, tiếp tục sản xuất. Điều này mới giúp doanh nghiệp hấp thụ được vốn" - ông Phước nói.