DN không có tiền trả nợ, việc xử lý tài sản bảo đảm phức tạp và mất thời gian… là những nguyên nhân khiến việc xử lý nợ xấu đã chậm lại càng chậm.
Nỗi sợ từ nợ xấu
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng gây ra nợ xấu và không tích cực xử lý nợ xấu nên để cho nợ xấu tái diễn, thế nhưng đây chỉ là một phần nhỏ của sự thật. Thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu của DN rất khó khăn vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng của ngân hàng. Ngân hàng khó có thể thu nợ khi DN không có tiền, sản xuất, kinh doanh không phát triển, thì làm sao một mình ngân hàng có thể thu hồi và phát mại được tài sản bảo đảm là nhà đất?
Dường như ngân hàng đang "đơn thương độc mã" giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Khi cho vay, ngân hàng là người quyết định, nhưng khi đòi nợ thì khách hàng mới là người quyết định. Người trong ngành ngân hàng ngậm ngùi, xót xa mà thừa nhận thực tế rằng, ngân hàng "đứng cho vay, quỳ thu nợ", khiếp sợ trước nợ xấu.
Thủ tục để xử lý được tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự đồng thuận của khách hàng và các cơ quan, ban ngành liên quan. Khi ngân hàng "bó tay", phải nhờ đến Tòa án thì chậm trễ, phức tạp, tốn kém. Mỗi vụ việc bình quân mất vài ba năm. Và cánh cửa cuối cùng để giải thoát cho nợ xấu là phát mại tài sản thì dường như vẫn bị khép lại do sự ảm đạm kéo dài của thị trường chứng khoán và BĐS.
Bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khó khăn
Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, thế nhưng công tác đòi nợ và bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vẫn hết sức khó khăn.
Thực tế thu hồi nợ xấu trong thời gian qua cho thấy, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng đang là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Trước đây, khi cho vay, giá trị tài sản cao, nay bán giá lại quá thấp. Bán hết tài sản mà không thu đủ nợ, thì cả khách hàng và cán bộ ngân hàng đều lo sợ bị quy kết phạm tội làm thất thoát tiền vay, bất luận lý do gì. Vì thế, cả hai bên đều nấn ná chờ đợi, hy vọng phục hồi sản xuất, kinh doanh để trả nợ, chờ đợi giá lên, mong trích đủ dự phòng và có chính sách miễn trách rõ ràng hơn…
Nếu người vay lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì đương nhiên phải xử lý hình sự. Nếu cán bộ ngân hàng thực sự sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng hay đồng phạm với người vay cũng phải xử phạt về các tội tương ứng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, cán bộ ngân hàng là nạn nhân bị lạm dụng, lừa đảo nhưng lại bị quy kết là tội phạm vi phạm quy định về cho vay hoặc tội phạm cố ý làm trái.
Người ta sẽ rất sợ hãi trách nhiệm hình sự, không dám bỏ cái lợi nhỏ để đạt cái lợi lớn, thu ít nhưng thu sớm, trong xử lý nợ xấu. Nếu cứ kéo dài tình trạng như trên, thì không những nan giải trong xử lý nợ xấu hiện tại, mà còn nguy cơ tái diễn nợ xấu trầm trọng trong tương lai. Xử lý nợ xấu trong bối cảnh, mức độ thì nặng nề, thời gian thì cấp bách, pháp luật thì vướng mắc và thị trường thì khó khăn như hiện nay, thì phải chấp nhận chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu, chứ không thể đòi hỏi phải là cái đúng nhất, tốt nhất.
Nhiều ngân hàng khó thu hồi nợ khi các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Ảnh: Trần Việt
|