Tỷ giá vẫn chịu áp lực trong trung và dài hạn
Vào nửa cuối quý I-2015, tỷ giá có xu hướng ấm lên do tác động của giá USD trên thị trường ngoại hối quốc tế tăng mạnh. Nguyên nhân nằm ở diễn biến tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong bối cảnh kinh tế Mỹ có chuyển biến tích cực kể từ khi chấm dứt Gói nới lỏng định lượng (QE) tháng 10-2014. Khả năng FED nâng lãi suất sớm đã thu hút dòng tiền đổ về đồng USD, khiến đồng tiền này mạnh lên, từ đó gây áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại hối Việt Nam.
So với cuối tháng 3-2014, đồng USD đã tăng khoảng 17% so với đồng Euro, 12,5% so với đồng Yên Nhật. Còn ở Việt Nam, giá USD tự do có thời điểm đã tăng mạnh tới 21.810 VND/USD giữa tháng 3 vừa qua và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ngày 7-4 nhận định: Vốn được neo với USD, VND tự thân đã tăng giá nhiều so với các đồng tiền khác, và như vậy chắc chắn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ phải hành động không nằm ngoài xu hướng chung so với ngân hàng trung ương các nước khác nhằm thúc đẩy XK hàng hóa cũng như hạn chế sự kém cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, chúng tôi nhận định tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực tăng trong trung dài hạn. Tuy nhiên xét trên quy mô trong nước, bức tranh ngoại hối Việt Nam chưa có điều bất thường. Nguồn cung ngoại hối hiện tại được đánh giá là ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức khá, khoảng 36 tỷ USD.
Trong những ngày tỷ giá "dậy sóng", Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Cung cầu thị trường ngoại tệ diễn biến tăng tỷ giá chủ yếu do yếu tố tâm lý, yếu tố kinh tế không có biến động lớn, không có gì quan ngại. Dù chúng ta đã chuyển sang nhập siêu (gần 1,8 tỷ USD), tuy nhiên nhập siêu chỉ là một hạng mục trên cán cân thanh toán, quý I chúng ta vẫn thặng dự 2,8 tỷ USD; dự kiến xu hướng cả năm vẫn tiếp tục thặng dư. Từ đầu năm đến nay sau đợt điều chỉnh tỷ giá 1% vào ngày 7-1-2015, dự trữ ngoại hối đã tăng hơn khi NHNN mua vào. Còn ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa phải bán USD ra can thiệp.
Song BSC dự đoán: Tỷ giá USD/VND trong quý II-2015 vẫn giữ được sự ổn định tương đối, dù cho thị trường ngoại hối có thể sẽ là thị trường nóng nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước sức ép USD quốc tế gia tăng mạnh, NHNN gần như chắc chắn sẽ phải can thiệp bán ra USD nhằm cân bằng cung-cầu trên thị trường ngoại hối. Việc điều chỉnh tỷ giá trong các quý tới cũng không loại trừ, nhiều khả năng NHNN sẽ cố gắng điều chỉnh vào nửa sau của năm 2015.
Kiên định điều hành tỷ giá theo hướng ổn định
Đồng USD lên giá đã có tác động nhất định đến tâm lý thị trường trong thời gian qua. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và tự do đều có xu hướng tăng, tuy nhiên vẫn nằm trong biên độ cho phép.
Qua đánh giá, các chuyên gia cho rằng USD lên giá có thể chưa tác động bất lợi nhiều đến XK và nhập siêu. Giá trị XK trong các tháng đầu năm giảm chủ yếu do giá hàng hóa thế giới giảm. Đồng thời tác động của việc điều chỉnh giảm giá VND đến kim ngạch XK có thể không lớn. Mặt khác, đồng Euro và Yên Nhật giảm giá là cơ hội để Việt Nam NK máy móc, kỹ thuật công nghệ cao của EU và Nhật Bản với giá thành thấp, đồng thời có tác động làm giảm nợ vay nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh bằng các đồng tiền này, khoảng gần 12 nghìn tỷ đồng.
Ông Cao Viết Sinh, chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Trước mắt chưa cần có thay đổi về định hướng điều hành chính sách tỷ giá đã được đề ra. Ổn định tỷ giá sẽ góp phần tạo niềm tin thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ hội giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giảm chi phí đầu vào của DN. Ngoài ra, với mức dự trữ ngoại tệ hiện nay và cán cân thanh toán đang ở mức thặng dư, ước quý I thặng dư 2,8 tỷ USD, NHNN có đủ điều kiện để ổn định tỷ giá.
Trong khi đó, vào ngày 24-3, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và Tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp nhằm tập trung đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô trong 3 tháng đầu năm 2015 và dự báo cả năm 2015, đề xuất các giải pháp chính sách để thực hiện các mục tiêu đề ra. Liên quan đến vấn đề điều hành tỷ giá, các thành viên Hội đồng thống nhất nhận định: Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong thời gian qua đã khá chủ động, linh hoạt, đúng định hướng, duy trì được ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Quyết định điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngay từ đầu năm là động thái chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp về thời điểm và mức độ điều chỉnh, có tác động giải tỏa tâm lý kỳ vọng của thị trường.
Các thành viên Hội đồng cũng cho rằng cách thức điều hành tỷ giá trong thời gian tới cần hướng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cân nhắc hài hòa trong tổng thể tác động của tỷ giá đến các yếu tố như xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát, nợ công… đảm bảo được mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Hội đồng đề nghị: Thời gian tới NHNN cần tiếp tục kiên định điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, không vội vàng dao động cũng như không để làm ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường. Việc điều chỉnh tỷ giá tiếp theo vào thời điểm phù hợp trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tác động của tình hình thế giới và trong nước, đảm bảo ổn định tỷ giá theo đúng định hướng biên độ đề ra từ đầu năm./.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: "Quý I cán cân thanh toán thặng dư 2,8 tỷ USD. Dự báo cán cân thanh toán thặng dư có thể tăng lên khoảng 5 tỷ USD. Trong cuộc họp Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, kết luận chung là tạm thời giữ nguyên tỷ giá. Năm nay không phá giá quá 2%, từ đầu năm chúng ta đã chủ động điều chỉnh 1%". |
Ảnh minh họa.
|