Việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần này là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng, điều quan trọng phải cải thiện phương thức để DN tiếp cận được nguồn vốn, đồng thời tiến tới giảm lãi suất cho mọi thành phần kinh tế.
Giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiênNHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Có nghĩa là lãi suất bơm vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm, các ngân hàng này cũng phải giảm lãi suất cho vay đối với tổ chức, cá nhân. Động thái này cho thấy NHNN đã bắt đầu hành động nhằm định hướng thị trường, thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất như cách làm lâu nay. Tuy nhiên, NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên chứ không giảm lãi suất đại trà.Giao dịch tại chi nhánh NCB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Cụ thể, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn thực hiện theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Do đó, từ ngày 10/7, quy định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn này được áp dụng cho nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN ứng dụng công nghệ cao. Các nhóm khách hàng thuộc diện này sẽ được giảm từ mức lãi suất 7%/năm xuống còn 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm.
Giám đốc một công ty chuyên thu mua nông sản ở Hà Nội chia sẻ: Lãi suất đầu vào có tác động đáng kể đến doanh thu, lợi nhuận của DN. Chỉ cần lãi suất vay giảm 0,5%/năm, thì chi phí lãi vay của DN sẽ bớt đi hàng chục tỷ đồng/năm. Giảm lãi vay là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến giá thành sản phẩm và gián tiếp đến sức mua của toàn xã hội. Quan trọng là khả năng tiếp cận vốnTừ khoảng 2 năm nay, NHNN đã khá chủ động trong điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường, nhất là khi dư địa giảm thêm lãi suất thể hiện khá rõ trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, quan trọng là các tổ chức tín dụng tuân thủ yêu cầu này như thế nào. Với những DN đã có dư nợ với ngân hàng thì được hưởng rất rõ, nhưng những DN mới chưa vội mừng. Lập nghiệp bằng một dự án nông nghiệp từ đầu năm 2017, anh Cao Minh Thắng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, vay ngân hàng thường phải có tài sản thế chấp. Khởi nghiệp không có gì ngoài ý tưởng, không thể lấy kế hoạch kinh doanh để đi vay. “Ngoài yêu cầu thế chấp, thủ tục pháp lý quá rườm rà đối với một dự án chưa thành hình hài, thì lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian quá ngắn hoàn toàn không phù hợp với start up. Điều này gây áp lực trả nợ cho dự án. Trong khi đó, ngân hàng đề xuất sau 2 năm cần có lãi để họ rút vốn. Chưa biết thành bại thế nào, phải tính kế hoàn vốn là điều hoàn toàn không thể" - anh Thắng bày tỏ.Đối với nhiều DNNVV, dù lãi suất cao hay thấp họ cũng không thể tiếp cận được vì đa số các điều kiện về sổ sách, tài sản, thị trường của các DN này khó đáp ứng được mức tín nhiệm của ngân hàng, vì vậy họ có thể bị “đánh rớt” ngay từ vòng thẩm định dự án. Một số DN xuất nhập khẩu cũng nhận định, việc giảm lãi suất cho vay thời điểm này tuy thích hợp cho các DN vụ sản xuất cuối năm. Nhưng về trung và dài hạn, DN cần vốn nhiều hơn để đầu tư, phát triển khi nửa cuối năm 2017 và bước vào năm 2018, việc cạnh tranh và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn. Do đó, các DN này mong muốn các NHTM cũng như NHNN có chính sách điều tiết để giảm lãi suất mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất hơn.Việc điều chỉnh này trước mắt chỉ tác động đến lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, còn với các lĩnh vực cho vay thông thường phải có độ trễ nhất định. Nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như vấn đề tồn kho, nợ xấu bất động sản cũng như chỉ đạo thành công những vấn đề trung và dài hạn như cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống…, chắc chắn việc giảm lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm qua của NHNN không chỉ góp phần hỗ trợ giảm chi phí cho các tổ chức tín dụng, từ đó tạo cơ sở nền tảng để dần giảm mặt bằng chung lãi suất cho vay ở mọi lĩnh vực trên thị trường. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |