Ông nhận định như thế nào về tình hình lãi suất trong thời gian sắp tới?
Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có yêu cầu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% có hiệu lực kể từ đầu năm 2017, nên các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, đẩy lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất chứng chỉ tiền gửi kỳ dài hạn lên cao để thực hiện theo đúng quy định này.
Tuy nhiên, theo tôi, tình hình chung từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể tăng nhưng ở mức độ không cao. Nguyên nhân do các ngân hàng cần nguồn vốn dồi dào để tăng trưởng tín dụng cho vay theo định hướng của NHNN. Hơn nữa, lãi suất huy động thường có biên độ 2% trên tỷ lệ lạm phát, trong khi tỷ lệ lạm phát dự báo có thể tăng trong năm nay nên sẽ tác động lên lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Đặc biệt, trong lĩnh vực cho vay bất động sản, hệ số rủi ro cũng được yêu cầu tăng lên từ 150% lên 200%, điều này kéo theo chi phí vốn để hỗ trợ huy động, cho vay tăng lên, do đó, ngân hàng phải tăng lãi suất để bù vào phần chi phí tăng lên này.
Ông có nói rằng thanh khoản của các ngân hàng ổn định, nhưng đây có phải là nghịch lý với việc các ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động VND, thưa ông?
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung ổn định, nhưng nếu xét riêng trong phân khúc ngân hàng quy mô nhỏ thì thanh khoản không được dồi dào như các ngân hàng quy mô vừa và lớn. Vì thế, để hỗ trợ cho vay theo quy định của Thông tư 06, các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm nguồn vốn, nên lãi suất của các ngân hàng nhỏ bao giờ cũng cao hơn ngân hàng lớn để thu hút khách hàng. Do vậy, đợt tăng lãi suất lần này không diễn ra trên diện rộng.
Hơn nữa, lãi suất tăng còn do tác động đến từ nợ xấu, khi tại nhiều ngân hàng, nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để và hiệu quả. Với một tỷ lệ nợ xấu nhất định, một số ngân hàng không những phải tăng dự phòng rủi ro mà còn bị ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng nên ngân hàng cần tăng huy động vốn. Bên cạnh đó, những chi phí này sẽ được bù trừ vào lãi suất cho vay, khiến lãi suất cho vay có thể bị tác động và đẩy lên.
Lãi suất huy động tiền gửi VNĐ được dự báo có nhiều áp lực tăng, kéo theo lãi suất cho vay bằng VND và USD cũng có thể tăng, vậy theo ông, việc NHNN vẫn giữ lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%/năm còn hợp lý?
Tôi vẫn luôn đề nghị NHNN nên xem xét việc cho phép các ngân hàng thương mại được quay trở lại trả lãi suất trên tiền gửi bằng USD. Vì lãi suất các đồng ngoại tệ lớn của thế giới như: USD, EURO… đang tăng, lãi suất liên ngân hàng vay USD ít nhất vào khoảng 1%/năm; hơn nữa, hệ thống ngân hàng vẫn phải cho vay USD để hỗ trợ XNK, nên nếu không trả lãi suất tiền gửi trên USD, thì thanh khoản ngoại tệ có thể bị ảnh hưởng. Hiện nay, lãi suất tiền gửi bằng USD của nhiều ngân hàng trên thế giới đã tăng lên, nên hệ thống ngân hàng của Việt Nam không nên và không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, theo tôi, lãi suất tiền gửi bằng USD nếu để ở mức 0,25%/năm vẫn còn ít quá, mà phải trên 0,5%/năm.
Với những khó khăn nêu trên, xin ông cho biết NHNN nên có chính sách điều hành như thế nào cho hợp lý?
Muốn điều hành lãi suất giảm thì NHNN phải đẩy một lượng tiền vào lưu thông, tạo thanh khoản lớn cho ngân hàng. Nhưng việc này lại ảnh hưởng tới lạm phát, mà lạm phát tăng thì lãi suất cũng tăng. Nên bài toán điều hòa đặt ra cho NHNN rất khó khăn trong bối cảnh này.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ dù không tăng nhưng ở mức cao, trong khi trái phiếu Chính phủ vừa có độ rủi ro gần như bằng 0, thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi ngân hàng, vừa có tính thanh khoản cao, dễ mua đi bán lại, nên nếu 2 lãi suất bằng nhau, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ chọn trái phiếu Chính phủ. Vì thế, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn ở mức cao thì khó giảm được lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, những yếu tố từ lạm phát cho đến tỷ giá đều có sức ảnh hưởng. Nếu muốn tạo thanh khoản USD cho các ngân hàng để cho vay thì phải xem xét cho phép trả lãi suất trên USD. Nhưng nếu trả lãi suất cho USD thì lại phải đẩy lãi suất tiền đồng lên vì cần giữ một khoảng chênh lệch nhất định, đủ để người dân, nhà đầu tư không chuyển tiền đồng sang USD.
Có thể thấy, hiện chưa có một giải pháp nào là hoàn thiện, luôn có tác động ngược chiều nhau; trong khi vấn đề của NHNN là làm thế nào để có giải pháp phù hợp, để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô và ổn định đồng nội tệ. Nhưng với bối cảnh hiện nay, nếu muốn ổn định tiền đồng thì phải chấp nhận tăng trưởng ở mức thấp, còn muốn tăng trưởng kinh tế cao thì có thể phải hy sinh mục tiêu ổn định tiền VND ở một khía cạnh nào đó. Trong thời gian ngắn, NHNN không thể đạt được cả 2 mục tiêu này, vì bối cảnh kinh tế Việt Nam là quốc gia đang phát triển, khác với các nước đã có nền tảng phát triển cao trên thế giới. Nên tôi nghĩ, NHNN nên chọn theo đuổi một trong hai mục tiêu, nên lấy đó làm quyết sách điều hành cho hợp lý.
Xin cảm ơn ông!