Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay cũ.

Lãi suất huy động và cho vay giảm 0,5-1,5%/năm

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước công bố chiều 12/8, trong tháng Bảy, lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định sau khi đã giảm nhẹ trong tháng Sáu. Đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm 2013.
Cả lãi suất huy động và cho vay đã giảm 0,5-1,5%/năm. (Nguồn: TTXVN).
Cả lãi suất huy động và cho vay đã giảm 0,5-1,5%/năm. (Nguồn: TTXVN).
 
Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm; đến ngày 24/7, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,5% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,9% tổng dư nợ cho vay bằng VND.

Cũng theo báo cáo, đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98% (huy động bằng VND tăng 7,92%, huy động bằng ngoại tệ tăng 1,31%) so với cuối năm 2013; thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ nhưng vẫn có xu hướng ổn định ở mức thấp.

Trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số tổ chức tín dụng; phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý các vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh-xã hội như: chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng; chương trình liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm nông sản xuất khẩu, mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, mô hình cánh đồng mẫu lớn; chính sách cho vay hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản...

Đến ngày 31/7, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,68% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Lãi suất có điều kiện để giảm tiếp

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ).

Trước đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, lạm phát được dự báo tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm nên mặt bằng lãi suất sẽ có điều kiện tiếp tục giảm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, tổng cầu mặc dù được cải thiện nhưng vẫn thấp. Điều này được thể hiện ở việc lạm phát cơ bản liên tục giảm từ tháng 10/2013. Ủy ban này ước tính, trong tháng Bảy, lạm phát cơ bản là 3,6%, thấp hơn nhiều lạm phát tổng thể (4,9%) và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái (4,2%).

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính cho thấy, tại hệ thống ngân hàng, lãi suất giảm đối với cả tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tính đến tháng Bảy, lãi suất tiền gửi VND bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6% so với tháng 12/2013 trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25% so với tháng 12/2013.

Đối với tăng trưởng tín dụng, Ủy ban Giám sát chỉ ra rằng, tín dụng tăng thấp là do doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Chính vì thế, số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thì cho rằng, ngân hàng sẽ đẩy mạnh các gói tín dụng lãi suất thấp, gia tăng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tích cực tham gia chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.