Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng rộng cửa cho vay tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huy động vốn của các ngân hàng từ khu vực dân cư, tổ chức kinh tế đang gặp khó khăn, lãi suất huy động nhích lên.

Để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm, nhiều ngân hàng (NH) đã cố gắng cho vay tiêu dùng khi các tháng cuối năm là giai đoạn gia tăng mạnh về xây, sửa nhà và mua sắm các tài sản lớn.

Hối hả cho vay tiêu dùng

Nhân viên kinh doanh tín dụng khách hàng cá nhân một NH cổ phần cho biết, càng thời điểm cuối năm, nhân viên tín dụng phải chạy “mướt mải” tìm khách hàng để lo đủ chỉ tiêu tín dụng hàng tháng. Và để đủ chỉ tiêu, cuối năm nhân viên tín dụng thường “lướt” bằng cách đẩy mạnh tìm tới khách hàng vay mua ô tô, vì một phần nhu cầu mua ô tô của người dân cuối năm thường rất cao.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh BIDV Thanh Xuân. 	Ảnh: Chiến Công
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh BIDV Thanh Xuân. Ảnh: Chiến Công
Lãnh đạo trung tâm tín dụng của một NH có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng tiết lộ, 3 tháng cuối năm, trung tâm đang chạy “rốt đa” giải ngân các khoản vay tín dụng cho khách hàng. Trong điều kiện nguồn vốn không được dư dả lắm (nguồn vốn huy động vào NH đang thấp hơn cho vay và lãi suất huy động đang nhích lên) thì việc lựa chọn đối tượng nào cho vay để mang lại hiệu quả nhất cũng là một vấn đề. Cho vay DN thì áp lực cạnh tranh rất lớn giữa các NH, nhất là những DN tốt. Trong khi cho vay tiêu dùng thủ tục hồ sơ lại nhanh, gọn không mất nhiều thời gian, khoản vốn mà khách hàng cần có thể chỉ là vài chục đến vài trăm triệu với tính chất ngắn hạn và cấp thiết rõ nét và nhất là lãi suất cho vay cũng cao hơn.

Thời điểm này, rất nhiều NH đang “rộng cửa” triển khai gói tín dụng tiêu dùng. Đơn cử, SeA Bank đang triển khai chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng muốn vay mua Mercedes-Benz tại Việt Nam với mức lãi suất từ 7%/năm, hạn mức vay tối đa 80% giá trị xe; SHB đã hợp tác với Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) triển khai sản phẩm cho vay mua ô tô. Khách hàng có nhu cầu mua xe THACO sẽ được SHB hỗ trợ tối đa 90% giá trị chiếc xe. Hay tại PVcomBank triển khai chương trình “Ô tô linh hoạt - Rinh ngay xe về trong ngày” dành cho khách hàng cá nhân vay mua ô tô dưới 9 chỗ để đi lại. Tham gia chương trình, khách hàng còn nhận được nhiều cơ hội tham gia các chương trình khác do PVcomBank tổ chức và được hưởng ưu đãi tốt hơn cho chiếc xe khi khách hàng liên hệ vay theo hình thức này.

Đặc biệt, nhiều NH cũng đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, trong đó có hợp tác với các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn để chiết khấu dựa trên giá trị hóa đơn của khách hàng. Bên cạnh đó, một số NH mới đây đã thành lập công ty tài chính tiêu dùng để chuyên biệt hóa mảng cho vay tiêu dùng…

Khách hàng e dè lãi suất

Với các NH hướng đến mô hình bán lẻ, cho vay tiêu dùng có thể nói là một sản phẩm trọng tâm và cần được đẩy mạnh. Bởi qua cho vay tiêu dùng, NH sẽ có thêm cơ hội tiếp cận khách hàng và bán thêm những sản phẩm dịch vụ tiện ích khác như huy động tiền gửi, thẻ tín dụng, thẻ ATM, dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking... Tuy nhiên, lãnh đạo một số NH đều thừa nhận, độ thâm nhập của các sản phẩm cho vay tiêu dùng, tín chấp của các nhà băng vào đối tượng khách hàng cá nhân vẫn ở mức độ thấp. Tăng trưởng về khách hàng và dư nợ có khá hơn trước, nhưng khoản cho tiêu dùng còn khá hạn hẹp.

Ghi nhận từ phía khách hàng cho thấy, tâm lý e dè của người vay tiền là trước các vấn đề lãi suất. Các ưu đãi thường có thời gian ngắn, sau đó các nhà băng thường áp dụng lãi suất thả nổi.

Chị Thu (Cầu Giấy) cho hay, tham khảo tại nhiều NH, chị khá bối rối khi cùng một sản phẩm cho vay nhưng các NH lại đưa ra nhiều mức lãi suất khác nhau cho người vay chọn lựa. “Thời gian cố định lãi suất cho vay càng dài thì lãi suất càng cao nên tôi phân vân không biết nên chọn cố định lãi suất trong bao lâu để có lợi nhất” - chị Thu nói.

Nguyễn Đình Nam (28 tuổi) đang làm thiết kế thời trang ở Hà Nội cũng cho biết cứ độ vài ba tháng là anh lại có nhu cầu vay tiền một lần. Nhưng thay vì chọn những sản phẩm vay từ NH với lãi suất thấp, anh Nam lại chấp nhận vay từ người quen với mức lãi suất 2%/tháng. Anh Nam chia sẻ: “Vay NH phải gồng mình trả tiền gốc lẫn lãi hàng tháng rất mệt. Đôi khi xoay tiền không kịp, mình ngay lập tức bị liệt vào danh sách đen. Trong khi vay từ người quen thì có gì còn được người ta du di trả chậm vài ngày.”
Hiện nay, các NH đều quy định mức phạt rất cao nếu người vay trả trước hạn trong thời gian ưu đãi LS, do vậy nếu người vay có nguồn vốn linh hoạt, hoặc thỉnh thoảng có nguồn thu nhập đột biến có thể dùng để trả nợ trước hạn thì chỉ nên chọn cố định LS vay trong thời gian ngắn, từ 6 tháng đến một năm. Nếu là người làm công ăn lương, thu nhập ổn định và biết chắc chắn phải vay trong thời gian dài thì tốt nhất nên chọn cố định LS trong thời gian dài nhất để tránh bị ảnh hưởng đến nguồn trả nợ nếu chẳng may vài năm tới NH tăng LS.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực