Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng rốt ráo đổi thẻ mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 18/2 tới đây, Thông tư số 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng bắt đầu có hiệu lực. Thời điểm này đang là giai đoạn nước rút để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa. Việc chuyển đổi sang thẻ chip là cần thiết vì góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, tạo sự an tâm, an toàn cho người dùng.

Khách hàng làm thẻ ATM tại chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Hàng chục triệu thẻ từ sang thẻ chip

Theo Thông tư 41, đến ngày 31/12/2019, ít nhất 30% thẻ ATM sẽ chuyển sang thẻ chip, đến ngày 31/12/2020 ít nhất 60% và đến 31/12/2021 thì 100% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của tổ chức phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Trước đó, yêu cầu đặt ra là chậm nhất đến 31/12/2020 toàn bộ thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam chuyển đổi hoàn toàn sang thẻ chip. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, quan điểm của NHNN là bắt buộc chuyển đổi sang thẻ chip càng sớm càng tốt. Dù vậy, chi phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi, hệ thống ATM, POS và thẻ ATM làm bằng chip là khá tốn kém nên NHNN sẽ linh hoạt lộ trình dựa trên điều kiện thực tế của từng ngân hàng thương mại. NHNN yêu cầu, trong thời gian chuyển đổi, của tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Khi áp dụng thẻ chip, NHNN cần tăng tính kết nối và sử dụng chung nền tảng công nghệ giữa các ngân hàng với nhau. Bởi nếu mỗi một tổ chức phát hành thẻ trên một nền tảng công nghệ khác nhau sẽ gây lãng phí lớn. “Tuy nhiên, phải có quy định rõ ràng về chia sẻ chi phí dịch vụ để tránh tình trạng đến khi xảy ra sự cố, ngân hàng này đổ lỗi cho ngân hàng kia.

Chuyên gia Cấn Văn Lực
Hiện cả nước có hơn 101 triệu thẻ ngân hàng các loại đang lưu hành, trong đó hơn 85 triệu thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) làm bằng thẻ từ vốn có độ bảo mật, an toàn kém hơn nhiều so với thẻ chip. Hàng nghìn máy ATM của một số ngân hàng thương mại đầu tư từ nhiều năm trước không đọc được thẻ chip. Theo các ngân hàng, quá trình chuyển đổi sẽ phải mua máy ATM mới, bình quân khoảng 30.000 - 35.000 USD/máy dòng mới nhất (tương đương khoảng 700 triệu đồng/máy). Các ngân hàng cũng phải nâng cấp hệ thống core quản lý của mình và thiết bị thanh toán như máy ATM, POS, mPOS phải có tính tương thích với thẻ chip. Ngoài ra, chi phí cho mỗi chiếc thẻ tối thiểu 70.000 đồng (phôi thẻ 30.000 đồng, con chip khoảng 40.000 đồng/thẻ)… sẽ làm tăng chi phí không nhỏ cho ngân hàng.

Đảm bảo an toàn cho thanh toán thẻ

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Lê Minh Huấn khẳng định, để chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, ngân hàng không gặp phải rào cản nào về vấn đề công nghệ, bởi vài năm trở lại đây các ngân hàng đều chú trọng tới việc đầu tư cho công nghệ bảo mật, an toàn thẻ cho khách hàng. Khó khăn lớn nhất là chi phí thực hiện việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip lớn. Tuy nhiên, theo ông Huấn, việc chuyển đổi sẽ giúp lòng tin của người dùng tăng lên, hạn chế tối đa tình trạng mất tiền của chủ thẻ và ngân hàng sẽ có một cách làm tính toán kỹ để không ảnh hưởng việc sử dụng của chủ thẻ.

Với Sacombank, ngân hàng tính toán dựa trên mối quan hệ với khách hàng, chẳng hạn với chủ thẻ ATM cũ chuyển đổi ngân hàng sẽ miễn phí, riêng khách hàng mở thẻ mới sẽ được cân nhắc mức phí phù hợp. ACB sẽ từng bước chuyển đổi gần 1,5 triệu thẻ từ và sẽ hoàn tất việc này theo thời hạn mà NHNN đưa ra. Lãnh đạo ACB khẳng định chủ thẻ không tốn phí khi đổi thẻ từ sang chip…

Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cũng khẳng định, tốn kém lớn nhất trong việc chuyển đổi thẻ là chi phí làm phôi thẻ từ. Tuy nhiên, dù có tốn kém thì việc chuyển đổi này là cần thiết cho sự an toàn vấn đề thanh toán thẻ của khách hàng. Đại diện Agribank cho biết sẽ miễn phí chuyển đổi thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip cho chủ thẻ.

Thực tế, ngoài việc an toàn hơn thẻ từ do được bảo mật ngay trên con chip cài sẵn trong thẻ thì thẻ chip còn tiền ứng dụng được nhiều lĩnh vực thanh toán. Bên cạnh thanh toán của ngành ngân hàng, Bộ Tiêu chuẩn cũng được xây dựng với tầm nhìn bao quát, dễ dàng mở rộng để áp dụng trên các lĩnh vực khác, đặc biệt trong thanh toán giao thông vận tải, các dịch vụ y tế…