Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng tăng tốc thanh toán không tiền mặt

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử trong 8 tháng năm 2019 đạt gần 61 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 105 triệu giao dịch. Chính phủ và các địa phương đang rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Việt Linh
Mở rộng thanh toán qua dịch vụ công
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giao dịch qua hệ thống điện tử tăng tương đương 19,57% về số lượng và 26,66% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018. Bình quân số lượng đạt gần 629.000 giao dịch/ngày, giá trị bình quân đạt trên 367.000 tỷ đồng/ngày.
Trước ngày 30/11/2019, trường học tại các quận, thị xã, thị trấn tại Hà Nội sẽ hoàn thành lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động… để cha mẹ học sinh có thể dễ dàng thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, hạ tầng thanh toán dịch vụ công đang dần được hoàn thiện. Hiện các dịch vụ thanh toán điện, nước, mua vé máy bay cũng đã được thanh toán qua ngân hàng; hải quan hiện có 99% dịch vụ hải quan thanh toán qua ngân hàng. Đối với thuế có 99% DN thanh toán điện tử. Đối với dịch vụ y tế hiện có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. NHNN đã phối hợp với Bộ Y tế khai trương cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế, phối hợp với cơ quan bảo hiểm, thương binh xã hội… chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Hiện các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020; Ðề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Ðề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... đã được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt
Bên cạnh chú trọng đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, các ngân hàng đang đua nhau khuyến mãi, tặng tiền hoặc chiết khấu cho khách hàng khi thanh toán bằng thẻ tại các website bán hàng trực tuyến hoặc quẹt thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) đặt tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán cafe, rạp chiếu phim… Thậm chí có ngân hàng thực hiện hoàn tiền trên tổng chi tiêu cho khách hàng áp dụng với thẻ nội địa, điều mà trước nay các ngân hàng chỉ chú trọng cho thẻ quốc tế. Những động thái này được xem là “đòn bẩy” tích cực giúp ngân hàng “ghi điểm” với khách hàng và từng bước thay đổi thói quen chi tiêu bằng tiền mặt của người dân. Đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), năm 2019 đã 2 lần giảm giá các sản phẩm thông tin tín dụng, với mức giảm trung bình 15% so với hiện hành. Động thái giảm giá này của CIC được kỳ vọng giảm chi phí đầu vào, giúp ngân hàng đẩy mạnh hơn việc tra soát thông tin tín dụng của khách hàng vay, bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong mọi giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Về phía các quy định pháp lý, NHNN cho biết, sẽ xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp lý theo hướng đáp ứng yêu cầu của các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, tập trung vào ngân hàng số và thanh toán số; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông (Mobile Money -tiền di động) để thanh toán cho các dịch vụ giá trị nhỏ, nhằm cung cấp cho những người chưa có tài khoản ngân hàng.