Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng thừa tiền, thiếu khách vay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu yếu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người...

Kinhtedothi - Cầu yếu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân không cao, ngân hàng sợ rủi ro… khiến tín dụng tăng ì ạch (đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 3,52% so với cuối năm 2013). Thay vì chảy vào sản xuất, kinh doanh, vốn ngân hàng vẫn đang phải tìm chỗ trú chân vào trái phiếu, tín phiếu.

Luẩn quẩn dòng vốn

Dù lãi suất tiền gửi giảm, khách hàng gửi tiền tiết kiệm vẫn chờ hàng dài tại Agribank Chi nhánh Gia Lâm. Theo đó, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 90% là nguồn vốn huy động từ dân cư. Trong khi vốn huy động tăng cao thì dư nợ cho vay của Chi nhánh đến cuối tháng 5 chỉ ở mức gần 1.200 tỷ đồng. Trừ các chi phí, dự phòng rủi ro, ngân hàng vẫn còn "ế" hơn 1.000 tỷ đồng. Kinh tế khó khăn, hàng tiêu thụ tại các làng nghề giảm, sản phẩm sản xuất ra không bán được… là nguyên nhân khiến tín dụng trên địa bàn Gia Lâm tăng chậm.

 
Hoạt động nghiệp vụ tại một Chi nhánh HD Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Hoạt động nghiệp vụ tại một Chi nhánh HD Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Huy động tốt nhưng cho vay ra khó không chỉ là thực tế tại Agribank Chi nhánh Gia Lâm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống tăng ở mức 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp lớn từ tín dụng ngoại tệ (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng VND tăng 2,17%). Nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được giải quyết dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn chưa được đẩy mạnh.

Trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, dòng vốn của các ngân hàng tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào trái phiếu, tín phiếu. Điều này cho thấy, khu vực ngân hàng đang ngày càng ngại rủi ro, ngại cho vay tư nhân, phản ánh sự thiếu niềm tin ở khu vực tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, bản thân các DN tư nhân cũng không tự tin, tin tưởng vào các hoạt động kinh doanh. "Đây là yếu tố quan trọng mà chiến lược cải cách ở Việt Nam cần giải quyết nếu muốn tăng trưởng cao trong thời gian tới"- một chuyên gia của WB chia sẻ.

Triển khai các chương trình kết nối

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận, mức tăng tín dụng 3,52%  còn khá thấp so với mục tiêu 12 - 14% đặt ra trong năm 2014. Tuy nhiên, điều này cũng không quá lo ngại vì tín dụng những tháng cuối năm thường sẽ tăng nhanh hơn, thậm chí gấp đôi so với những tháng đầu năm. Do đó, khả năng tín dụng tăng trên 10% đến cuối năm là hoàn toàn có cơ sở. Hiện, NHNN đã và đang tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - DN ở nhiều địa phương và đạt kết quả tốt.

Tại Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN trên địa bàn, UBND TP và NHNN Chi nhánh Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN. Theo đó, lãi suất cho vay đối với khách hàng tham gia chương trình phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, nhưng không vượt mức 8%/năm đối với ngắn hạn; phổ biến ở mức 9 - 10,5%/năm, nhưng không vượt mức 11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong đợt 1, đã có 11 ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình với số vốn cam kết là 11.297,6 tỷ đồng.

Đợt 2 của chương trình cũng đang được các ngân hàng xúc tiến triển khai. Dự kiến, trong tuần sau, một chương trình gặp gỡ và ký kết giữa Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam Chi nhánh Từ Liêm và các DN trên địa bàn quận Nam Từ Liêm sẽ được tổ chức để lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của DN trong tiếp cận vốn ngân hàng.Theo các chuyên gia, để vốn tín dụng chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh, giữa ngân hàng và DN phải thực sự có sự chia sẻ với nhau. Ngân hàng cần hạ lãi suất hơn nữa cho phù hợp với khả năng của DN, có phương án chuyển những khoản vay cũ, lãi suất cao về mức lãi suất mới, đẩy mạnh cho vay ưu đãi các lĩnh vực ưu tiên…

Các DN cần tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường công tác quản trị, xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh đáp ứng được yêu cầu cho vay của ngân hàng…