Thông tin về sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại yếu kém đã được nhiều chuyên gia và các ngân hàng đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, đây là lĩnh vực nhạy cảm nên cần phải có lộ trình và những bước đi hợp lý, chặt chẽ nhằm tránh gây xáo trộn trong lĩnh vực này. Yêu cầu tất yếu Trong mấy ngày gần đây, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao, từ 22-25%, thậm chí có ngân hàng còn được chào vay với lãi suất lên đến 30% cho thấy tình hình căng thẳng vốn của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ. Trong mấy ngày qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực bơm vốn trên thị trường mở (OMO). Lãnh đạo một ngân hàng cho biết thêm, tỷ lệ trúng thầu trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước ngày 18/10 vào khoảng 39%, cao hơn gần 10% so với ngày hôm trước. Điều này có nghĩa Ngân hàng Nhà nước đã “nới” hơn một chút kênh bơm vốn của mình cho các ngân hàng để hạ nhiệt chuyện vay mượn lẫn nhau. Mặc dù động thái theo hướng "tích cực hơn" của Ngân hàng Nhà nước được cập nhật nhưng cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, con số bơm ròng này cũng chỉ ngang mức bình thường trước đây. Bản chất nghiệp vụ của OMO là điều hòa, lúc “bơm” lúc “hút”, chính vì vậy, con số bơm ròng như trên không phản ánh việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp lên thị trường liên ngân hàng, trừ phi đó là con số lớn hơn nhiều lần. Những diễn biến trên như "giọt nước làm tràn ly" dẫn đến nhận định sẽ có một cuộc cải tổ lại hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Trên thực tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không phải là vấn đề mới, mà đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ lâu, song khâu triển khai lại rất chậm. Hẳn những ai quan tâm đến hoạt động ngân hàng đều nhớ rõ vụ việc liên quan đến Ngân hàng Việt Hoa và công cuộc cải tổ ngân hàng cổ phần cuối những năm 90. Mặc dù bài toán của Việt Hoa đến nay vẫn chưa có lời kết, nhưng một loạt những ngân hàng cổ phần thời "cải tổ" đó giờ đã hoạt động tốt... Vì vậy, để tái cơ cấu thành công, cần tìm hiểu chính xác thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân yếu kém và có biện pháp khắc phục triệt để. Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để tái cấu trúc, việc đầu tiên là phải rà soát tổng thể hệ thống ngân hàng, đặc biệt là minh bạch hóa mọi thông tin liên quan đến hoạt động của loại hình doanh nghiệp đặc biệt này. “Trước khi thực hiện tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá được thực trạng của hệ thống ngân hàng hiện nay, phân tích những yếu kém cụ thể là gì, xuất phát từ đâu, giải pháp khắc phục cụ thể với từng ngân hàng ra sao,” ông Kiêm nói. TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng của chúng ta hiện nay đông về số lượng nhưng không mạnh về năng lực tài chính và năng lực quản trị. "Thời gian qua số lượng ngân hàng và các định chế tài chính ra đời nhiều và diễn ra trong thời gian khá ngắn nên quản trị của các ngân hàng này rất yếu. Có lẽ cũng không nên để những ngân hàng đó duy trì mãi," ông Ngoạn nhấn mạnh. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV ông Trần Bắc Hà cũng cho rằng, tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó có ngân hàng đáng ra phải được làm cách đây vài năm về trước. "Một đất nước với quy mô dân như Việt Nam hiện nay mà có hơn 100 tổ chức tín dụng là điều không bình thường. Chính ví vậy, việc tái cơ cấu hệ thống là việc làm cần thiết. Con đường mua, bán sáp nhập cũng nên ưu tiên cho các tổ chức tín dụng nhỏ tự nguyện hợp nhất lại với nhau và Ngân hàng Nhà nước nên làm thí điểm," ông Hà gợi ý. Tuy nhiên, việc loại bớt ngân hàng yếu kém không hề đơn giản, nhất là khi sau lưng nhiều ngân hàng là những “đại gia”, những tập đoàn kinh tế lớn. Điều đáng lo nhất là hiện tượng một số đại gia là doanh nghiệp sở hữu cổ phần lớn ở các ngân hàng thương mại, dùng ảnh hưởng của mình để buộc ngân hàng cấp vốn cho các dự án bất động sản của doanh nghiệp. Sự thao túng này đang khiến tỷ lệ nợ xấu và mức độ rủi ro của các ngân hàng tăng lên. Cần "khám tổng thể" Trong một thông báo mới nhất đăng tải trên website chính thức của mình, ngày 19/10, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Việc mua lại, sáp nhập, hợp nhất để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ việc gia tăng thị phần hoạt động là một xu thế phổ biến và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Hoạt động này diễn ra đối với mọi quy mô của tổ chức tài chính. Các tổ chức tài chính có quy mô nhỏ thực hiện hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất để trở thành những định chế tài chính lớn hơn. Các tổ chức tài chính lớn cũng có thể tìm đến nhau nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh của từng định chế riêng biệt. "Điều này là hết sức bình thường trong nền kinh tế chuyển đổi hiện nay," Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra dẫn chứng trên thế giới về việc sáp nhập một số ngân hàng. Đầu tiên là vụ sáp nhập lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngành ngân hàng châu Âu nói riêng và trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu nói chung của hai ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan và Barclays PLC của Anh, hình thành nên tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo số vốn thị trường. Kế tiếp là vụ sáp nhập của Bank of America với Merrill Lynch, giúp Bank of America đạt tham vọng đứng đầu ngành ngân hàng nội địa của Mỹ xét theo tiêu chí tiền gửi và lượng vốn hóa thị trường... Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ mua bán sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước cần phải minh bạch thông tin của các ngân hàng. Theo ông Ngoạn, Ngân hàng Nhà nước cần phân loại, sắp xếp ngân hàng ở từng nhóm khác nhau, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục với từng nhóm ngân hàng. Sau đó, tùy từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. "Xét về luật, việc sáp nhập, giải thể ngân hàng sẽ không được gây ra sự xáo trộn trong xã hội, không ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền," ông Ngoạn nói. Để nhận diện những ngân hàng đứng trước nguy cơ bị giải thể, cách duy nhất là nắm được các thông tin về ngân hàng đó. Và việc công bố thông tin là yêu cầu tối thiểu cho hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý, công bố, minh bạch thông tin ở nước ta chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sáp nhập ngân hàng không phải việc dễ làm. Muốn sáp nhập ngân hàng, cần “khám sức khỏe” tổng thể để phân loại các ngân hàng, nếu có khả năng quản lý rủi ro thì có thể được hỗ trợ tiếp tục phát triển, cho sáp nhập nhiều ngân hàng nhỏ với nhau để thành ngân hàng lớn hơn hoặc cho sáp nhập vào ngân hàng lớn. Đối với các ngân hàng quá yếu, không cứu chữa được, có thể mạnh dạn cho phá sản, giải thể theo luật, không nên né tránh. Ngay sau khi có thông tin sẽ sáp nhập một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ yếu thanh khoản và quản trị yếu kém, lãnh đạo một số ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết, sẵn sàng tham gia vào công cuộc tái cơ cấu này./. Tính đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.