Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng và “làn sóng” cắt giảm nhân sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính quý III/2013 của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, hàng ngàn nhân viên ngân hàng đã bị cho thôi việc hoặc tự động xin nghỉ việc.

Nhiều dự báo, làn sóng cắt giảm này sẽ còn tiếp tục trong năm tới nếu lượng hàng tồn kho không giảm, sức cầu vẫn yếu, nền kinh tế không khởi sắc. 

“Đủ chiêu” cho thôi việc

Cựu nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, chị tự nguyện xin nghỉ việc vì không thể đáp ứng được tiêu chí huy động vốn mà ngân hàng đưa ra. Theo đó, số dư huy động hàng tháng của nhân viên phải từ 500 triệu đồng trở lên. Với các chi nhánh, phòng giao dịch ở các vị trí thuận lợi, huy động vốn đã khó, các phòng giao dịch nhỏ, việc hút vốn lại càng khó hơn. Nhiều nhân viên đã phải huy động người nhà gom hết tiền gửi vào ngân hàng mình đang làm việc. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có nhiều tiền để đưa con em mình gửi lấy chỉ tiêu".
 Nhân viên nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với sức ép chỉ tiêu. Trong ảnh:  Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SHB.       Ảnh: Thanh Hải
Nhân viên nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với sức ép chỉ tiêu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SHB. Ảnh: Thanh Hải
“Làn sóng” cắt giảm nhân sự ngân hàng đã âm ỉ từ đầu năm  đến nay. Bị thuyên chuyển tréo ngoe, từ lãnh đạo bị "giáng cấp" xuống làm nhân viên thu hồi nợ, bán hàng rồi lương quá thấp, không hoàn thành nhiệm vụ… có hàng ngàn lý do để nhân viên ngân hàng phải tự xin nghỉ việc. "Nếu không tự nguyện, không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị sa thải. Mang cái "án" sa thải thì cơ hội tìm việc khác là rất khó"- một nhân viên ngân hàng cho biết.

Theo báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng, hàng ngàn nhân viên ngân hàng đã bị mất việc. Tại ACB, 700 nhân viên đã bị cắt giảm trong quý 3. So với đầu năm, ngân hàng này đã cắt giảm 927 nhân viên. Đầu tháng 11, thị trường cũng rộ lên tin đồn Eximbank lên kế hoạch cắt giảm 1.000 nhân sự. Theo lãnh đạo Eximbank, tin đồn này là… có thật. Ban đầu, Eximbank đã lên kế hoạch giảm 1.000 nhân viên ở bộ phận gián tiếp. Mục đích là tăng quỹ lương cho bộ phận bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay, ngân hàng mới chấm dứt hợp đồng với 48 người, và điều chuyển 300 nhân viên từ các phòng ban của Hội sở xuống các chi nhánh. Tính đến 30/9, Techcombank cũng giảm gần 200 nhân viên so với năm trước. SHB giảm 318 người so với đầu năm 2013.

Không những giảm nhân viên, quỹ lương nhiều ngân hàng cũng liên tục đi xuống. Đến ngày 30/9, chi phí cho nhân viên của ACB đạt 1.151 tỷ đồng, giảm 319 tỷ đồng, tương ứng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý III/2013, chi phí dành cho nhân viên của ngân hàng này là 219,3 tỷ đồng, giảm 43,2 tỷ đồng, tương ứng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân của nhân viên Eximbank trong quý III cũng đã giảm 7,7 triệu đồng/3 tháng (tương ứng 16,6%) so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Làn sóng” cắt giảm chưa dừng

Theo giải thích của lãnh đạo ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng nhân viên ngân hàng suy giảm mạnh. Đó là việc ngân hàng sa thải những nhân viên không phù hợp với công việc, làm việc không đạt chỉ tiêu. Nhiều phòng, ban thừa nhân viên nên đề xuất ban lãnh đạo cắt giảm. Cũng có những nhân viên tự động nộp đơn xin nghỉ vì muốn tìm một môi trường mới tốt hơn. "Ngân hàng buộc phải cắt giảm nhân sự  để tiết giảm chi phí, đồng thời tăng quỹ lương cho đội ngũ bán hàng trực tiếp" - ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank nói.

Khảo sát mới nhất của Công ty tư vấn toàn cầu Towers Watson cho biết, năm 2013, mức tăng lương của lĩnh vực ngân hàng thấp nhất so với các lĩnh vực khác, chỉ ở khoảng 9 - 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc của ngành này cao nhất vào khoảng 15%. Việc ngân hàng giảm lương là để dự phòng rủi ro, bù đắp chi phí, giải quyết nợ xấu.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong khó khăn, việc cắt giảm chi phí là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp, và càng cần thiết với ngành ngân hàng, khi nợ xấu tăng cao, tín dụng không tăng trưởng, lợi nhuận giảm. Dự báo, nếu sang năm 2014, tồn kho trong nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, sức mua thị trường vẫn yếu, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng thì khả năng làn sóng giảm nhân sự của ngân hàng vẫn tiếp diễn do không thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng.