Sáng nay (2/11), QH thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Hàng loạt băn khoăn đã được đưa ra tại phiên thảo luận, đặc biệt là tình trạng thu không đủ chi nhưng vẫn còn tràn lan tình trạng lãng phí.
Phải sử dụng hiệu quả đồng vốn
Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, lâu nay có tình trạng "vung tay quá trán" khiến ngân sách chi không đủ. Ở cấp ngành nào cũng "vẽ ra quá nhiều ghế, không ngân sách nào chịu nổi", lâm vào cảnh "giật gấu vá vai". Vị Phó trưởng đoàn ĐB TP HCM cảnh báo, nợ công có thể không còn an toàn sau năm 2015 vì ngân sách làm ra phải dành một phần ba để trả nợ. ĐB Trần Du Lịch tính toán, nếu phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu, tổng trái phiếu Chính phủ năm 2014 lên đến 400.000 tỷ đồng.
Chỉ ra tình hình ngân sách đất nước đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”, ĐB Lịch phân tích 5 nguyên nhân chính, trong đó có 2 nguyên nhân tích cực và 3 nguyên nhân tiêu cực dẫn đến thực trạng này: Thứ nhất, do nỗ lực của ta để đầu tư làm nhanh các công trình nâng cao kết cấu hạ tầng. Thứ hai là chính sách xã hội để giảm phân hóa giàu nghèo. Hai nguyên nhân này cũng khiến tiêu tốn tiền của ngân sách nhưng là nguyên nhân tích cực.
Còn ba nguyên nhân tiêu cực là: Thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho-không rạch ròi; Tình trạng "vung tay quá trán" trong chi tiêu, trong đó có nguyên nhân bộ máy đẻ ra quá nhiều ghế ở các nơi, bộ máy phình ra khiến không ngân sách nào chịu nổi; tình trạng thất thoát trong xây dựng cơ bản.
“Riêng chuyện thất thoát trong xây dựng cơ bản, tôi hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Vừa qua, mới chỉ có 4 dự án được xem xét lại đã giảm được trên 15.000 tỷ đồng cho ngân sách. Có những cây cầu cũ người ta đang đi bình thường, con sông rộng 70m mà làm cầu mới dài 450m không biết để làm gì”- ông Trần Du Lịch bức xúc dẫn chứng.
ĐB Huỳnh Văn Tính đến từ Cà Mau cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng chi tiêu công lãng phí từ xây dựng cơ bản đến mua sắm xe công tràn lan. Hiện nay, các cơ quan xây dựng trụ sở vẫn được tính là chi cho đầu tư. Để thêm yên tâm bấm nút khi thông qua việc phát hành trái phiếu, các ĐB đề nghị Chính phủ làm rõ thêm việc tiền từ gói này sẽ được chi vào những chỗ nào. Nhất là trong mục "chi cho các dự án đang dở dang", Chính phủ cũng cần nêu rõ danh sách địa chỉ cụ thể để ĐB cùng xem xét.
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, ông hoàn toàn đồng ý với việc cần có danh sách cụ thể các dự án đang dở dang chờ vốn trái phiếu Chính phủ và Bộ đang gấp rút soạn thảo sanh sách này. Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ có phiên họp vào tuần tới, về nguyên tắc bố trí cho hơn 800 danh mục dự án đang dở dang, Bộ trưởng Bùi Quanh Vinh cho biết.
Ai mua trái phiếu?
ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) quan ngại con số 170.000 tỷ đồng phát hành thêm trái phiếu mà Chính phủ đưa ra. Nhưng ông cho biết cũng không có cách nào khác ngoài bấm nút đồng ý. "Khi chấp nhận những con số này, chúng ta sẽ làm khó lộ trình giảm bội chi ngân sách năm sau, dứt khoát tăng gánh nặng nợ công cho con cháu chúng ta", ông Kiêm nói.
ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên- Huế) yêu cầu Chính phủ phải làm rõ khi phát hành trái phiếu, thì ai là khách hàng, ai mua. "Như ĐB Cao Sĩ Kiêm có nói, 80, 90% lượng trái phiếu là do các ngân hàng mua. Vậy chúng ta phải làm rõ bao nhiêu % trong số đó là vào nền kinh tế thật, bao nhiêu là nền kinh tế ảo", ông nói.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ kế hoạch trả nợ của số trái phiếu này như thế nào. "Chúng ta đang đứng trước vấn đề khó khăn mà không chỉ liên quan đến chúng ta, mà còn đến thế hệ con cháu chúng ta nữa, nên cần phải dành thêm thời gian để bàn kỹ", ông Hà Huy Thông nói.
ĐB Huỳnh Văn Tính (Trà Vinh) cho rằng vẫn còn dư địa để tăng thu ngân sách như: Có thể tăng thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, thu ngăn chặn đầu cơ bất động sản, thu từ doanh nghiệp nước ngoài, chuyển giá... Ông Tính nhắc đến việc hiện nay chúng ta cho phép thành lập rất nhiều các loại quỹ, trong đó 40 quỹ đang hoạt động, còn 30 quỹ vẫn tồn rất nhiều, trong khi bội chi tăng nên theo ĐB cần rà soát thu đúng thu đủ, thậm chí cần thiết phải sửa đổi một số văn bản để tính toán sao cho hiệu quả.
ĐB Trần Du Lịch.
|
Về chương trình mục tiêu quốc gia, hầu hết các ĐB đều đánh giá chương trình còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, quá dàn trải, quá nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan tổ chức thực hiện. Riêng chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa nhưng tổ chức thực hiện lại thiếu đồng bộ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh rất đồng tình với nhận xét của các ĐB. Bộ trưởng nói: “Bây giờ cắt ngay 16 chương trình thì không được vì nghị quyết Quốc hội đã ban hành, đã bố trí vốn rồi. Tuy nhiên, 2014 sẽ giảm tổng mức bố trí. Mặt khác, không cho khởi công dự án mới mà chỉ bố trí tiếp tục các dự án đang làm". Ngoài ra, sau năm 2015, lồng ghép tất cả chương trình vào 2 chương trình chính là xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, sẽ thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý để giao quyền chủ động nhiều hơn cho các địa phương. |