Kiến nghị giữ nguyên cách tính thuế
Góp ý về dự thảo này, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cho biết, ngành bia rượu Việt Nam đang đứng ở top 20 nước có thuế TTĐB cao. Quốc hội thông qua thuế TTĐB đối với ngành bia từ 1/1/2016, 2017 và 2018 mỗi năm tăng thuế 5%. Như vậy trong vòng 4 năm, thuế TTĐB tăng 20%. Đối với các DN trong ngành, nếu cứ tăng thuế liên tục, tăng kép và tăng cả thuế nhập khẩu thương mại thì quá nặng gánh.
Dự thảo mới cũng đưa ra quan điểm: “Giá tính thuế TTĐB với trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc công ty con khác cùng công ty mẹ là giá do chính đơn vị này bán ra thị trường”. Trước quy định như vậy, đại diện VBA cho rằng, điều này sẽ tạo sự phân biệt đối xử cũng như sẽ phát sinh số thuế phải nộp của cơ sở sản xuất có DN thương mại và trong cùng mặt hàng sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Trong lĩnh vực thuốc lá, các DN đồng tình cho rằng quy định này bất hợp lý khi phát sinh 2 cơ sở giá tính thuế và tạo ra 2 giá bán cùng một sản phẩm thuốc lá qua cơ sở thương mại cùng hệ thống và cơ sở kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, các DN lo ngại, dự thảo không khuyến khích chuyên môn hóa trong quy trình sản xuất, phân phối hàng hóa, làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh của hàng nội trước sản phẩm nhập ngoại và nhập lậu… Do vậy, VBA đề nghị giữ nguyên mức giá tính thuế với nhập khẩu bia, rượu.
Theo phản ánh từ một số DN bia, rượu, nước giải khát, quy định mới sẽ khiến mức thuế TTĐB cao lên và sẽ không đảm bảo được tính ổn định trong tăng trưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Lấy ví dụ, sau một giai đoạn tăng trưởng tốt nhờ mức thuế TTĐB hợp lý thì năm 2013, khi thuế bia tăng từ 45% lên 50%, rượu tăng từ 50% lên 55% đã gây tác dụng ngược lại tới mức tổng nộp ngân sách. Năm 2013, 2014, khi thuế TTĐB tăng lên, mức nộp thuế của các DN giảm 1,5% và 16,1% so với năm 2012.
Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Thuốc lá cho rằng, riêng với ngành này, chỉ một số đơn vị mới được phân phối thuốc lá và các cơ sở sản xuất chỉ bán sản phẩm cho những cơ sở kinh doanh thương mại này nhằm phù hợp với kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối do Bộ Công Thương quy định. Do vậy, việc tổ chức các cơ sở thương mại (đại lý cấp 1 - tổng đại lý) là công ty con trong cùng hệ thống công ty mẹ với cơ sở sản xuất không phải nhằm chuyển giá tính thuế TTĐB mà nhằm tối ưu hóa tổ chức sản xuất, chuyên môn hóa khâu phân phối, hạn chế cạnh tranh nội bộ. Đây là những mục tiêu không thể có được nếu làm qua các cơ sở thương mại tư nhân.
Cân nhắc kỹ phương án giảm thuế ô tô
Trong khi đó, thuế TTĐB đối với ô tô lại được sửa đổi theo hướng: Giảm thuế đối với các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống; tăng thuế đối với các dòng xe có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở lên. Đồng thời, giảm mức thuế suất đối với các dòng xe chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ, từ 16 đến dưới 24 chỗ và điều chỉnh thuế suất đối với xe vừa chở người vừa chở hàng.
Theo dự thảo này, xe ô tô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ đều giảm thuế từ 10 - 15% so với hiện hành. Đáng chú ý, với xe ô tô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi, phương án 1 đề xuất không đánh thuế TTĐB, phương án 2 là giảm xuống 10% thay vì mức 15% như hiện nay. Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho hay, ngoại trừ Thái Lan hiện không thu thuế TTĐB với loại xe này, còn lại các nước khác trong khu vực đều thu. Vì vậy, có thể áp dụng mức thu 10% như phương án 2; hoặc giảm xuống 0% nếu loại xe này không dùng cho tiêu dùng hộ gia đình. Trong trường hợp điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông thời gian tới không đáp ứng, thuế suất sẽ được cân nhắc điều chỉnh lại.
Với các ưu đãi thuế suất nêu trên, các dòng xe ưu tiên nói riêng và công nghiệp ô tô nói chung có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc ưu đãi thuế cho xe ô tô chở người dưới 9 chỗ người có thể dẫn đến làm tăng các phương tiện cá nhân, trong khi chúng ta có chủ trương hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ các phương án và lộ trình giảm thuế.
Dây chuyền sản xuất bia chai Hà Nội. Ảnh: Cao Thắng
|