Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành dịch vụ vẫn thiếu… chất!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù đã chú trọng đầu tư song hiệu quả mà ngành dịch vụ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa cao biểu hiện ở tỷ trọng trong GDP còn thấp so với bình diện chung của thế giới (khoảng 38% - 39%), và thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

 Đánh giá về các DN hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, DN dịch vụ Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ, mức độ chuyên môn hóa thấp, thiếu hụt về công nghệ… Đó là nguyên nhân kéo GDP của ngành này xuống thấp hơn so với bình diện chung của thế giới, tại các nước phát triển, dịch vụ chiếm 60% GDP. Chỉ đơn cử trong ngành dịch vụ du lịch, tuy lượng khách quốc tế tới Philipines thấp hơn Việt Nam (1,7% - 2,3%) nhưng doanh thu của nước này lại vượt Việt Nam đáng kể (2,2% - 1,8%). Nguyên nhân cơ bản theo GS.TS Nguyễn Văn Bình - Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững là do chất lượng dịch vụ du lịch kém.

Không phủ nhận ngành dịch vụ đã có những cải thiện so với thời gian trước đây như ngành ngân hàng, du lịch đã biết ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, một số DN đã xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ tốt… Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo: "Quản lý Chất lượng trong các DN dịch vụ Việt Nam" do trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây, khoảng cách chất lượng dịch vụ của Việt Nam với thế giới vẫn chưa được thu hẹp đáng kể. Trong khi các DN dịch vụ nước ngoài bùng nổ mạnh mẽ thì DN dịch vụ Việt Nam tuy có tăng trưởng nhưng với tốc độ… rùa!

Nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhờ vào việc đẩy mạnh các hoạt động hướng tới tăng năng suất, chất lượng. Ngành dịch vụ ở Việt Nam cũng vậy, muốn cải thiện tình hình hiện nay nhất định phải cải thiện chất lượng dịch vụ. Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn: "Chất lượng dịch vụ được xem là một trong những điểm đột phá nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ Việt Nam phát triển nhanh, chất lượng hiệu quả và có sức lan tỏa". Đối với DN, chất lượng dịch vụ được tạo nên bởi: Sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường; thiết kế sản phẩm dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ; thiết kế chuỗi cung ứng dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực dịch vụ... Ở cấp quốc gia, chất lượng dịch vụ chỉ có thể phát triển nếu có sự tham gia đầy đủ của 3 đại diện: Nhà nước - DN - Cơ quan khoa học và nghiên cứu tư vấn. 

Theo TS Phan Chí Anh - ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nếu chúng ta tạo ra được môi trường cạnh tranh hơn nữa giữa các nhà cung cấp dịch vụ thì chất lượng dịch vụ sẽ theo đó được cải thiện. Bên cạnh đó là sự tham gia của các tổ chức trung gian như hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng hay các tổ chức đánh giá chất lượng sẽ buộc các DN phải chú trọng hơn nữa tới quá trình cung cấp dịch vụ. Khi chất lượng dịch vụ được cải thiện, kinh tế dịch vụ sẽ phát triển, đóng góp nhiều hơn cho GDP cả nước, đây cũng đang là xu thế nổi bật ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới.