Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành NN&PTNT kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/11, Bộ NN&PTNT tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (14/11/1945-14/11/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tới dự.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điểm lại những thành tựu ngành nông nghiệp đạt được và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ngành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cách đây 70 năm, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp. Ngày 14/11/1945 đã trở thành ngày hoạt động chính thức đầu tiên của ngành NN&PTNT dưới chính thể do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Đến ngày 18/6/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg về việc lấy ngày 14/11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành NN&PTNT Việt Nam”.

Trong suốt 70 năm qua, các tổ chức tiền thân của Bộ NN&PTNT đã luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ cùng với toàn ngành đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, địch họa, có những bước trưởng thành về nhiều mặt, gắn liền với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Đến nay, nông nghiệp, nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1986-2014 đạt 3,65%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (2%), cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở đó, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khác cũng đã phát triển mạnh mẽ trở thành các ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

Từ năm 1989 nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực. Đến năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 30,86 tỉ USD, gấp 63 lần so với năm 1986. Việt Nam trở thành một trong 20 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hằng năm trên 1 tỉ USD, trong đó, có nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Cũng trong 70 năm qua, nông thôn nước ta đã thay đổi căn bản diện mạo từ chỗ nghèo nàn lạc hậu đang vươn tới văn minh hiện đại. Hết năm 2015 sẽ có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đạt bình quân 12 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 24,5 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh còn 9,5%.

Theo Chủ tịch nước, ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới, xã hội nông thôn ổn định, dân trí nâng cao, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chủ tịch nước yêu cầu ngành tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ lớn. Đó là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và kinh tế nông thôn trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực và chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ở các khâu, các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ; đa dạng hóa nguồn lực, tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật; tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới một cách sâu rộng nhằm vừa thay đổi kết cấu hạ tầng, vừa nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cư dân nông thôn.