Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành nước Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây chính là khẳng định của TS Fank Pogade - Trưởng Văn phòng đại diện Việt Nam của Tilia GmbH tại Diễn đàn ngành nước Đức - Việt ngày 19/3.

Theo TS Fank Pogade, sau hơn 20 năm làm việc trong ngành nước tại Việt Nam, ông đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề của ngành nước, đặc biệt là vấn đề nước sạch và xử lý nước thải. Nếu như ở đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 thì Chính phủ gần như độc quyền trong việc triển khai các dự án cấp nước và tuân theo các tiêu chuẩn theo quy định riêng của Chính phủ. Nhưng đến thời điểm hiện tại các dự án cấp nước, xử lý nước tại Việt Nam đã tuân theo các tiêu chuẩn, các chỉ số của quốc tế.
Các dự án nước tại Việt Nam có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa
Nghị định 80 về xử lý nước thải của Chính phủ Việt Nam như một động lực để mở cửa và tạo cơ hội cho ngành nước đột phá. Từ những quy định của Nghị định này thì các địa phương lấy đó làm cơ sở và tiêu chí cho quá trình đầu tư, phát triển của ngành nước.
“Từ việc gỡ được nút thắt từ những Nghị định mới, các dự án liên quan đến ngành nước tại Việt Nam đã có sự tham gia, hỗ trợ từ các dự án có quy mô lớn của quốc tế thông qua việc tài trợ, hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng các dự án về cấp, thoát nước. Và trên thực tế, quá trình đổi mới tư duy về ngành nước đã giúp cho Chính phủ Việt Nam tiếp thu một cách có hiệu quả các nguồn vốn vay, vốn tài trợ từ quốc tế” - TS Fank Pogade nói.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay ngành nước đã có sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho quá trình cạnh tranh, nhưng cũng mang đến cơ hội cho người dân có thể được tận hưởng những dịch vụ tốt nhất từ quá trình cạnh tranh doanh nghiệp mang lại.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nguồn nước tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như: Vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm như ngập mặn, nhiễm các chất gây nguy hại đến sức khỏe người dân như lưu huỳnh, măng gan... cho thấy nguồn nước đang bị ảnh hưởng.
Cùng với đó là chế tài xử lý chưa nghiêm đối với các doanh nghiệp, nhiều xí nghiệp , bệnh viện có nguồn nước thải không đúng với quy định xả ra môi trường nhưng chưa bị xử phạt. Các cơ quan quản lý về ngành nước thì có sự chồng chéo không đúng với chuyên môn, trách nhiệm không rõ ràng dành cho các đơn vị nhà nước.
Để tháo gỡ những khó khăn này, theo TS Fank Pogade cần phải đẩy mạnh các chương trình đào tạo những người có năng lực cho ngành nước trong công tác vận hành, quản lý. Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các dự án PPP cho ngành nước.
“Tôi nghĩ ngành nước tại Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cá nhân tôi đã tham gia hoạt động trong ngành nước tại Việt Nam từ nhiều năm nay, tôi nhận thấy những triển vọng của Việt Nam là rất lớn” - TS Fank Pogade chia sẻ.