Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 9/2015, giá trị xuất khẩu của nông sản và thủy sản lần lượt là 10,29 tỷ USD và 4,69 tỷ USD, giảm 7,2% và 17,8% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh các mặt hàng giảm mạnh về khối lượng lẫn giá trị như cà phê và gạo thì các cá tra hay tôm những thế mạnh xuất khẩu khác của Việt Nam cũng trong tình trạng không mấy khả quan.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng này, ông Julian Lawson Hill, chuyên gia tư vấn thương hiệu của Trung tâm Xúc tiến và nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), cho rằng, nếu như chưa tính đến các yếu tố biến động giá cả, nguồn cung trên thế giới ... thì nông sản và thủy sản hay nói chung là ngành thực phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu quốc gia, qua đó ảnh hướng lớn đến sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, CBI đã thực hiện nghiên cứu tại 9 ngành hàng thực phẩm mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như cá, cà phê, gạo, hạt điều, trái cây, chè, hạt tiêu, dừa và mật ong. Điểm dễ nhận thấy nhất là thay vì xây dựng thương hiệu chung cho từng ngành hàng, Việt Nam lại chỉ chú trọng tạo nên các thương hiệu riêng lẻ cho từng doanh nghiệp, ông Julian cho biết.
Nói về sự cần thiết của thương hiệu quốc gia đối với ngành thực phẩm, ông Julian dẫn chứng trường hợp của Hàn Quốc. Với thương hiệu chung "Hansik - The Taste of Korea", tới hiện tại, thực phẩm Hàn Quốc đang là một trong năm loại thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới. Đi kèm với đó là số lượng nhà hàng Hàn tại nước ngoài đang tăng mạnh về số lượng, dự đoán sẽ đạt con số 40.000 vào năm 2017. Không những thế, việc phát triển rộng rãi của thực phẩm cũng cải thiện mạnh cơ hội kinh doanh cho các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, nhà hàng, du lịch cũng như văn hóa của nước này.
Hoặc như trường hợp gần Việt Nam hơn là Thái Lan, với thương hiệu quốc gia "Thailand - Kitchen of the world", tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thực phẩm của nước này đang ở con số rất ấn tượng 10%/năm đạt 970 triệu Baht vào năm 2014. Hiện tại đồ ăn Thái đang được đánh giá là xếp thứ 4 về mức độ nhận biết đối với thực khách trên thế giới, điều này cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy ngành du lịch ở quốc gia này, ông Julian nếu ví dụ.
Theo đánh giá của chuyên gia CBI, Việt Nam có cơ hội rất rõ ràng để định vị trên thị trường quốc tế thông qua một thương hiệu chung cho ngành thực phẩm. Điều này không chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu mà còn khiến người nông dân, ngư dân có thu nhập tốt và ổn định hơn cũng như các ngành nghề liên quan phát triển cộng hưởng.
Một cuộc khảo sát mới đây của CBI với hơn 2.500 khách du lịch quốc tế tại 17 quốc gia, trong đó có những thị trường xuất khẩu thực phẩm quen thuộc của Việt Nam như Mỹ và Nhật, cho kết quả khá khả quan. Hầu hết người được hỏi đều đánh giá thực phẩm Việt Nam rất khác biệt so với các quốc gia khác, đặc biệt là ở hương vị độc đáo. Có tới 17% số du khách trên thường xuyên chọn mua những thực phẩm đặc chưng và chỉ có ở Việt Nam. Cùng với đó, phở bò là món ăn hiện lên đầu tiên trong tâm trí những người này khi nhắc tới thực phẩm Việt Nam.
Mặc dù vậy thực phẩm Việt Nam cũng nhận phải nhiều điểm trừ như chú trọng nhiều vào số lượng hơn chất lượng, có nhiều tai tiếng khi thường sử dụng phụ gia hoặc chất bảo quản nhân tạo, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ ... khảo sát của CBI nêu.
Một thương hiệu chung cho ngành thực phẩm Việt Nam không chỉ cải thiện được góc nhìn của quốc tế mà qua đó cũng sẽ tập trung được các doanh nghiệp trong nước có liên quan cùng hỗ trợ để thương hiệu này lan tỏa tại những nước mà họ đang có thị phần, ông Julian khẳng định.
Bên cạnh một thương hiệu chung, Việt Nam cũng cần một chiến lượng riêng cho ngành thực phẩm nhằm thúc đẩy xuất khẩu và bổ sung giá trị gia tăng vào sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hoặc chế biến trong nước. Trong đó cần chú trọng những sản phẩm độc đáo với các tiêu chuẩn độc nhất, có thể kết nối với lịch sử, con người và vị trí địa lý, đại diện CBI kết luận.
Ông Julian Lawson Hill (giữa): Thương hiệu quốc gia sẽ giúp ngành thực phẩm tăng xuất khẩu
|
* CBI: Là tổ chức trực thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan chuyên về các hoạt động xúc tiến nhập khẩu. Tổ chức này đã bắt đầu hỗ trợ nhiều bộ, ngành, địa phương của Việt Nam từ năm 1993 thông qua các hợp tác đào tạo cũng định hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. |