Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 4.800 người liên quan đến rượu, bia. Còn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam ước tính chiếm hơn 36% ở nam giới và gần 1% ở nữ giới và khoảng 70% số vụ phạm pháp hình sự có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm dưới 30 tuổi. "Nhận thức là cả một quá trình, từ thay đổi nhận thức sẽ dẫn tới thay đổi hành vi, và khi nhận thức thay đổi, hành vi sẽ được nâng tầm ở một vị thế cao hơn. Sử dụng bia, rượu cũng vậy. Chúng ta không được nóng vội, bởi thay đổi một thói quen, tồn tại nhiều năm, nhiều đời là điều không dễ chút nào. Ngay từ bây giờ, rất cần sự cộng tác đến từ mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu ở các cơ quan chức năng, là sự không thỏa hiệp, là sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm khắc, nghiêm túc. Nếu ở các gia đình, là sự dạy dỗ con cháu từ thuở biết ăn, biết nói, biết đọc, biết viết. Lúc đó, các con, các cháu đã bắt đầu được giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và các chế tài xử phạt nghiêm khắc, từ đó, chúng ta sẽ có một xã hội văn minh hơn, bình yên hơn." - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, với các nội dung rất đáng chú ý, như việc nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, sử dụng lao động chưa đủ 18 tuổi tham gia trực tiếp vào sản xuất, mua, bán rượu, bia; tuyệt đối cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan... uống bia, rượu trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thùy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội, việc sử dụng rượu bia với lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây ra nhiều trọng bệnh. Có thể kể đến các bệnh thường gặp như viêm tụy cấp, viêm gan, viêm dạ dày, thậm chí ung thư miệng, thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng, làm giảm đề kháng, dẫn đến rơi vào nhóm nguy cơ mắc các chứng bệnh do nhiễm trùng, lao, phổi... Ngoài ra, lạm dụng rượu có thể gây rối loạn tâm thần, rối loạn âu lo, trầm cảm hay hoang tưởng, gây ra các xu hướng mất kiểm soát hành vi. |
Ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực: Thiết lập văn hóa về sử dụng bia, rượu
Kinhtedothi - Bắt đầu từ 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ có hiệu lực. Đây được coi là thời điểm lịch sử mà người dân và cơ quan thực thi pháp luật phải đối diện với thử thách trong cuộc chiến chống lạm dụng rượu, bia.
Những biến thể xấu xí
Là người tiếp cận dự luật từ những giai đoạn thẩm tra, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, việc xây dựng và nhận được sự ủng hộ đông đảo của các nhà lập pháp đối với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia là một bước tiến lớn, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý trước những tác hại khôn lường từ việc mất kiểm soát khi sử dụng bia, rượu.
Theo ông Nhưỡng, có một thực tế đáng buồn là, một bộ phận không nhỏ người dân đang sử dụng bia, rượu như những biến thể xấu xí, trở thành thói quen, truyền từ người này qua người khác, thế hệ này sang thế hệ khác, vùng này tới vùng khác. Những hành vi này vô cùng khó loại bỏ, mà cần thời gian để “ngấm”.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, khắp vùng miền trên cả nước đều có hiện tượng dùng bia, rượu làm công cụ, như một chất xúc tác cho mọi câu chuyện. “Nhà nhà, người người trong các cuộc vui, gặp gỡ, giao lưu hầu hết đều sử dụng bia, rượu làm công cụ để làm quen, kết giao. Có nơi thì phải ôm lấy nhau, quàng qua cổ nhau uống. Có nơi mời chén đi thì phải mời chén lại. Có nơi khi dự tiệc, đến chào nhau ở một mâm cơm thì phải uống, mời đủ các thành viên ở mâm đó. Và cứ thế, xong bữa tiệc, có người uống đến cả trăm chén rượu, dẫn đến mất kiểm soát hành vi, hoặc kích động mạnh” - ông Chiến nói.
Một ví von đến từ TS Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Hà Nội khi nhận xét những trường hợp sử dụng bia, rượu quá đà: “Giờ ra đường không khó gặp những khuôn mặt bừng đỏ, đi đứng loạng choạng. Đó là những người vừa rời các cuộc tiệc tùng. Họ đang ở trạng thái có thể gây ra các vụ tai nạn thảm khốc, hoặc hành vi phạm tội nào đó nếu bị kích động. Lúc này, dân luật chúng tôi thường gọi họ là “nguồn nguy hiểm cao độ” với hàng loạt nguy cơ có thể xảy đến”.
Theo TS Thiệp, thậm chí, ở nhiều cuộc giao lưu, bia, rượu được dùng làm thước đo, với loạt địa danh được gọi tên như “Cao Bằng - uống đầy bằng mặt cốc”, hay thay vì “uống trăm phần trăm” thì một địa danh khác được các “nhậu thủ” nhớ tới, đó chính là “Bắc Kạn”. “Và chỉ vài lần gọi tên địa danh này, có người đã rơi vào trạng thái lâng lâng, thậm chí say xỉn. Lúc này, bắt đầu là những suy nghĩ lệch lạc, nâng cao quan điểm, mang chuyện tôn trọng hay không tôn trọng nhau nếu từ chối một lời mời rượu nào đó” - TS Thiệp nói thêm.
Để “ngấm” Luật, cần một quá trình
Trước một số thông tin tỏ vẻ hoài nghi về tính khả thi của đạo luật này, bởi họ cho rằng, việc ăn nhậu, lạm dụng rượu, bia đã “ngấm vào máu” của một bộ phận người dân, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: “Bia, rượu ngấm vào cơ thể nhanh, nhưng luật về bia, rượu ngấm vào xã hội thì cần có quá trình”.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ góp phần hoàn thiện vào hành lang pháp lý cho các cơ quan thực thi, điều chỉnh đầy đủ các mối quan hệ trong xã hội. “Bia, rượu là một thứ văn hóa, thậm chí nâng tầm tâm linh từ ngàn đời với tục dâng rượu. Nhưng sử dụng bia, rượu lệch lạc, mất kiểm soát, nó thành tàn độc, thậm chí thảm họa. Bởi vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ là thước đo cho những hành vi này”.
Cũng theo chia sẻ của ông Lưu Bình Nhưỡng, đạo luật này sẽ thiết lập một văn hóa trong sử dụng bia, rượu, đó là thứ văn hóa có kiểm soát, biết làm chủ hành vi và sử dụng bia, rượu một cách văn minh.
Quay lại câu chuyện về tính khả thi của Luật, ông Nhưỡng nhận định, việc một đạo luật nào đó để khả thi hay không, không chỉ phụ thuộc vào các điều, khoản chứa trong luật, nó còn cần sự vào cuộc của Chính phủ, của các cơ quan có thẩm quyền. “Chúng ta cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Cần có sự giám sát chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc từ các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi. Các cơ quan này có nhiệm vụ mang linh hồn của Luật vào cuộc sống và chuyển biến nó thành nhận thức và hành động” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.