Trong khi đó, ngoài một số ít ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng có thị phần thẻ nhỏ lại rầm rộ công bố miễn phí các giao dịch ngoại mạng có thời hạn.
Thu phí chắc nịch
Sáng 1/3, nhiều "thượng đế" sử dụng thẻ ATM của Vietcombank vẫn tỏ ra ngạc nhiên khi mất phí 1.000 đồng/lần cho giao dịch rút tiền tại chính cây ATM của Vietcombank. Nhiều khách hàng của ngân hàng này cho biết, họ không nhận được bất kỳ thông báo nào của ngân hàng này về việc thu phí ATM ngoài thông tin đọc được trên báo chí. "Tôi đăng ký cả internet banking và SMS banking, vừa rồi, mới nhận được trên mail nội dung về ưu đãi thẻ nhưng tuyệt nhiên không có thông báo thu phí ATM nào" - chị Trang - một chủ thẻ Vietcombank cho biết.
DongA bank chưa thu phí giao dịch ATM nội mạng từ 1/3.Ảnh: Trần Việt
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 1/3, một số ngân hàng như BIDV, Seabank... cũng bắt đầu thực hiện thu phí rút tiền nội mạng. Theo biểu phí mới của BIDV, phí rút tiền mặt là 1.000 đồng/giao dịch, phí chuyển khoản trong hệ thống BIDV 0,05% số tiền giao dịch, phí vấn tin tài khoàn miễn phí, phí in hóa đơn 500 đồng/giao dịch, phí yêu cầu in sao kê tài khoản 5.000 đồng/lần. Trong khi đó, SeaBank thu 550 đồng/giao dịch, in sao kê 330 đồng/giao dịch, chuyển khoản nội mạng 3.300 đồng/giao dịch.
Miễn phí... lửng lơ
Trong ngày đầu tiên quy định thu phí rút tiền nội mạng có hiệu lực, nhiều chủ thẻ vẫn được miễn phí. Ngoài các ngân hàng có thị phần thẻ nhỏ như Tienphongbank, GPBank, Maritimebank…, đáng chú ý nhất là việc 3 ngân hàng có thị phần thẻ lớn là Agribank, DongABank và Techcombank… thông báo chưa thu phí tại thời điểm 1/3. Theo ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc DongA Bank, hiện, ngân hàng này có khoảng 6 triệu thẻ. "Nếu thu phí, chúng tôi sẽ có thêm một nguồn doanh thu không nhỏ. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn như hiện nay, mọi người đều phải "thắt lưng buộc bụng", nhất là đối với nông dân, công nhân, thì 1.000 đồng cũng có giá trị. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến khích người dân sử dụng thẻ để tiếp cận với những tiện ích hiện đại trong giao dịch tài chính"- ông Bình nói.
Tuy nhiên, thời gian được miễn phí các giao dịch nội mạng của những ngân hàng này chỉ tính bằng ngày. Theo một nhân viên Agribank, đến 15/3, ngân hàng sẽ thu phí rút tiền nội mạng. Tại Techcombank, thời gian dự kiến thu phí các giao dịch nội mạng là từ ngày 1/4/2013... Như vậy, có thể thấy, việc thu phí ATM đã được các ngân hàng quyết tâm làm, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn.
Quyết tâm thực hiện quyền lợi thu phí của mình nhưng phần lớn các ngân hàng lại "quên" quyết tâm thay đổi chất lượng dịch vụ đã từng nhiều lần hứa với khách hàng. Tại thời điểm thực hiện thu phí, nhiều khách hàng vẫn phải bực mình vì chất lượng các cây ATM. Chị Minh Châm (Đài Truyền hình Việt Nam) đã rất bực vì trong lúc cần tiền mà phải chạy vòng vèo mấy phố vẫn không rút được chỉ vì máy thì hết tiền, máy thì bị lỗi. "Các ngân hàng thực hiện thu phí của khách hàng mà chất lượng cứ tiếp tục không có nhiều cải thiện thì chán quá" - chị Châm nói. Và thực tế, không ít người khi được hỏi, đặc biệt là khách hàng thu nhập thấp như công nhân, sinh viên cho biết, họ đang tính đến phương án thôi sử dụng thẻ ATM.
Mặc dù mức phí giao dịch ATM nội mạng ở Việt Nam được đại diện NHNN cho là ở mức trung bình, chủ yếu nhằm mục đích tạo thói quen và bù đắp một phần chi phí. Nhưng, nhiều khách hàng cho rằng, thói quen đó chỉ có thể hình thành khi chất lượng dịch vụ ATM ngày được nâng cao và việc thu phí phải có lộ trình, minh bạch, tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Một trong những điểm nóng hiện nay liên quan đến việc thu phí giao dịch ATM nội mạng là, người dân rất muốn biết danh sách cụ thế các ngân hàng nào sẽ thu phí, mức phí cụ thể bao nhiêu; ngân hàng nào không thu phí, thời điểm như thế nào...? Tuy nhiên, trong ngày 1/3, khảo sát tại các webssite của nhiều ngân hàng vẫn chưa thấy có bất kỳ thông báo cụ thể nào về này. |