Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày hội đọc sách: Cứu nguy cho văn hóa đọc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việt Nam cần có một Ngày hội đọc sách để cứu nguy cho thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc hiện nay. Đó là ý kiến chung của những người tham dự hội thảo "Văn hóa đọc và ngày đọc sách Việt Nam" diễn ra chiều 8/10.

Khắc phục thiếu và thừa

Không phải ngẫu nhiên mà PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn hóa nghệ thuật T.Ư cho rằng, văn hóa đọc của chúng ta đã và đang hiện hữu nhiều hạn chế. Mà nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế đó là sự chông chênh của những thiếu và thừa: "Việt Nam chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hóa đọc trên bình diện quốc gia, chưa có tổ chức xã hội, hoạt động xã hội nào có trách nhiệm chính về việc xây dựng và phát huy văn hóa đọc. Hầu như chưa tiến hành đào tạo kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến đại học. Ngay công tác tuyên  truyền, hướng dẫn đọc cũng chưa được thường xuyên, liên tục và có định hướng. Bên cạnh đó, mức hưởng thụ đọc của người dân giữa thành thị và nông thôn còn mất cân đối, mạng lưới thư viện phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Số lượng đầu sách xuất bản hàng năm nhiều nhưng vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao; giá sách lại cao hơn so với trung bình thu nhập của người dân". Thêm vào đó, văn hóa đọc còn đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe, nhìn lấn át, mà lại chưa có quy trình xác định tình trạng này ở mức độ nào để có phương án khắc phục.

Ngày hội đọc sách: Cứu nguy cho văn hóa đọc - Ảnh 1

Và không ít giải pháp đã được giới làm sách, nghiên cứu văn hóa… "hiến kế" để mong người dân hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc đọc. Người thì cho rằng cần xuất bản nhiều sách hay, đổi mới và đẩy mạnh công tác lý luận - phê bình. Người thì khẳng định cần có thêm các giải thưởng văn học quốc gia mang tên các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Rồi đẩy mạnh tuyên truyền về sách, bồi dưỡng, phát triển lực lượng sáng tác trẻ, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc… Thực tế hơn, có đại biểu đề xuất thành lập phố sách ở  TP Hà Nội và TP. HCM, hình thành và tổ chức có hiệu quả ngày đọc sách Việt Nam; tăng cường công tác quản lý báo chí, internet và băng đĩa…

Đáp án cho văn hóa đọc?

Trong rất nhiều giải pháp được đưa ra, đa số giới chuyên môn ủng hộ ý tưởng cần có một "Ngày hội đọc sách" mang tên Việt Nam. Đây được coi là giải pháp cứu nguy cho sự xuống cấp của văn hóa đọc ở nước ta hiện nay. Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Tử Thành cho rằng: "Cần tổ chức Ngày hội đọc sách ở Việt Nam để kịp thời cổ vũ, động viên những gương cá nhân và tập thể có nhiều hình thức hoạt động có hiệu quả khi thường xuyên đọc và làm theo những điều hay, lẽ phải của sách. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển đúng đắn văn hóa đọc của xã hội khi hiện tượng này đang có chiều hướng trầm lắng và xuất hiện những lệch lạc đáng lo ngại".

Đồng quan điểm ấy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm nhận định, để phát triển văn hóa đọc ở nước ta hiện nay, rất cần một hình thức tôn vinh xứng đáng, mang tầm quốc gia, đó là tổ chức Ngày hội đọc sách Việt Nam trên phạm vi cả nước. Nên gắn việc ra đời tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Đường Kách Mệnh", cũng là sản phẩm đầu tiên của nền xuất bản cách mạng với "Ngày hội đọc sách". Điều này thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của những người làm xuất bản, in, phát hành sách, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng xã hội học tập ở nước ta và chủ động hội nhập với thế giới.

Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ Thông tin & Truyền thông (đơn vị tổ chức hội thảo) sẽ thu nhận các ý kiến đề xuất, sau đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày hội đọc sách Việt Nam.