Đền thiêng vượt ra khỏi không gian, địa lý
Theo sử sách xưa kia, Đền Cửa Ông chỉ là một cái am cỏ dựng dưới gốc cây cổ thụ bên Cửa Suốt. Không biết tự bao giờ sự linh thiêng từ ngôi đền ấy đã vang lừng khắp nơi. Du khách thập phương đến thắp hương đông không xuể. Người dân đến đây để bày tỏ tấm lòng thành kính với người đã có công giữ yên bờ cõi trước quân xâm lược Nguyên Mông. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cảng than Cửa Ông được xây dựng, dân cư đông đúc hơn, Đền được xây cất lại bằng gạch với kiến trúc độc đáo theo lối chữ Tam gồm ba khu Hạ, Trung, Thượng tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra Vịnh Bái Tử Long hùng vĩ. Hai bên Đền là hai quả đồi nhỏ xinh xắn được thế phong thủy “Tả thanh long, Hữu bạch hổ”. Lưng Đền tựa vào dãy núi trùng điệp chạy dài từ Cẩm Phả đến Mông Dương.
|
Đền Cửa Ông tọa lạc tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh |
Khu di tích này có lịch sử trên 800 năm được xây dựng tại vị trí đắc địa về mặt phong thủy và nổi tiếng linh thiêng. Xưa kia các triều đại phong kiến nước ta luôn chú trọng việc lập đồn trấn ải nên nơi đây còn có di tích chùa Cửa Ông gắn với quá trình tu hành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm cả Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung, có Lăng và đền Hưng Nhượng Vương thờ Trần Quốc Tảng - vị tướng đời Trần có công lao đóng góp lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (thế kỷ XIII), người gắn bó cả đời mình với vùng đất phía Đông Bắc nước Đại Việt, đền còn thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và nhiều vị tướng lĩnh nhà Trần khác. Trong khu vực di tích còn có Miếu Hoàng Tiết chế thờ Hoàng Cần - một anh hùng người địa phương có nhiều công lao chống phá giặc cướp, được triều đại phong "Khâm Sai Đông Đạo Tiết chế" và Đền Mẫu Cửa Ông thờ các Thánh Mẫu theo truyền thống Đạo Mẫu của dân gian. Bài học xác lập chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và giữ nước đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chuyện xưa kể lại rằng, xác định vùng Hải Đông (tên cũ của Quảng Ninh) là nơi hiểm yếu, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả kinh tế lẫn quốc phòng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cử người con trai thứ ba của mình là Trần Quốc Tảng ra trấn thủ lưu đồn tại đây. Đức ông Trần Quốc Tảng là người có công lớn trấn ải vùng Cửa Suốt - Hải Đông được Nhân dân hết lòng ca tụng. Đền Cửa Ông được Nhân dân xây dựng để ghi nhớ công lao của người anh hùng này.
Ngôi Đền linh thiêng này còn là nơi duy nhất thờ phụng đầy đủ gia thất Trần Quốc Tuấn và các cận thần của ông với hơn 34 pho tượng lớn nhỏ được chạm trổ công phu tỉ mỉ, có giá trị nghệ thuật cao. Ngày nay, Đền Cửa Ông chỉ còn lại khu đền Thượng gồm đền thờ Trần Quốc Tảng, đền thờ Thánh Mẫu; lăng Trần Quốc Tảng và chùa thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ nép mình dưới tán sum suê của những cây cổ thụ.
Là ngôi đền thiêng, cổ kính nên khi du khách dừng chân nơi đây mới thấy người đến tham quan đông quanh năm. Nhưng đông nhất nhộn nhịp nhất phải là mùa Xuân - mùa diễn ra lễ hội từ ngày 3/2 (Âm lịch) và kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân.
Bắt đầu là lễ dâng hương, sau đó là lễ rước bài vị Trần Quốc Tảng từ đền Cửa Ông ra miếu vườn Nhãn - là nơi mà theo truyền thuyết Đức Ông trôi dạt vào hóa thần và quay về Đền. Lễ rước bài vị này mô phỏng những cuộc tuần du bảo vệ bờ cõi vùng biển Đông Bắc của Hưng Nhượng Vương xưa kia với ý nghĩa ghi nhớ công đức của ngài trong sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các hoạt động văn hóa như múa rồng, thi bày mâm cỗ hoa quả, dâng lễ vật lên Đức Ông cùng với những trò chơi dân gian như cờ bỏi, bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy...
Đến với Đền Cửa Ông, sau khi thắp nén hương thành kính trước đền Thượng, khách thập phương còn có thể tham quan ngôi chùa cổ kính nép dưới bóng đa già, viếng lăng Trần Quốc Tảng và đền Quan Châu. Không những thế, du khách còn được thưởng lãm cảnh đẹp vùng biển Đông Bắc nên thơ trữ tình. Đứng trên Đền Cửa Ông phóng tầm mắt nhìn ra xa, có thể thấy Vịnh Bái Tử Long phóng khoáng với hàng ngàn đảo đá muôn hình muôn vẻ, tựa như tấm thảm xanh lộng lẫy, lấp lánh vô số châu ngọc. Từ nơi đây, chúng ta có thể bao quát toàn bộ cảnh quan sinh động của vùng than Cẩm Phả với nhịp sống hối hả của những người thợ Mỏ. Say mê trước cảnh thiên nhiên hùng diệu, du khách sẽ thấy mình chợt dùng dằng nửa muốn bước chân đi nửa muốn ở lại mãi với non nước thần tiên.
Việc thờ tự các nhân thần mà sinh thời đã từng sống cùng với Nhân dân và lập nên các chiến công hiển hách là một nét đặc trưng trong tâm linh của người Việt. Với niềm tin đó, đền Cửa Ông được Nhân dân nương nhờ để giải quyết các vấn đề tâm linh.
Lễ hội văn hóa mang dấu ấn tâm linhLễ hội đền Cửa Ông, một sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc sắc mang đậm bản sắc quê hương và truyền thống lâu đời của người Việt. Đền mở hội với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn. Đền Cửa Ông là nơi để nhắc nhở thế hệ sau nhớ ở hậu thế noi gương các đức tính cao quý của tiền nhân. Với vị trí đặc biệt và những trang sử oai hùng, đền Cửa Ông là điểm nhấn về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay du lịch tham quan cảnh quan thiên nhiên khu vực di tích những năm qua chưa được chú trọng mặc dù Đền có vị trí đẹp. Do diện tích hẹp, tình trạng xây dựng lộn xộn làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Để tổ chức hoạt động này cần tạo công viên với các loại cây hoa cảnh theo từng nhóm chủ đề để thu hút du khách. Tạo thêm đường đi bộ và các điểm dừng chân trên đỉnh đồi yên ngựa, đây là điểm lý tưởng để du khách nghỉ ngơi, phóng rộng tầm mắt và đón gió Biển Đông. Trong đó cần xây dựng tuyến kết nối đền Cửa Ông - đền Cặp Tiên - chùa Cái Bầu - nghè Trần Khánh Dư. Tạo thành tuyến tâm linh gắn với các nhân vật liên quan đến sự nghiệp giữ nước nhà Trần và đặc biệt liên quan đến Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng. Đền cặp tiên nằm bên kia cầu Vân Đồn 1, thờ cô bé Cửa Suốt là một tiểu thư con gái Trần Quốc Tảng gồm 3 công trình là đền chính, giếng tiên và động Sơn Trang. Nghè Trần Khánh Dư thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư thuộc xã Quan Lạn huyện đảo Vân Đồn. Chùa Cái Bầu cách cảng Cái Lân 10km, là 1 ngôi chùa khang trang nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long, trong chùa có thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm...