Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân lưu giữ hồn hoa sen dân tộc

Song La - Trà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Nghiêm Thị Nga đã dốc hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình để học hỏi bộ môn nghệ thuật ướp hoa từ Nhật Bản.

Đặc biệt, bà đã thành công trong việc ướp hoa sen, một trong những loài hoa đặc trưng của Việt Nam.
 
Niềm đam mê vô tận
Những bông hoa có tuổi đời ngắn ngủi, nhanh nở chóng tàn, giờ đây lại có thể trường tồn với thời gian qua nghệ thuật ướp hoa đến từ Nhật Bản.
Trong một căn nhà nhỏ tại đường Âu Cơ (Hà Nội), có một nghệ nhân hằng ngày vẫn say sưa, miệt mài tìm hiểu cách ướp những bông hoa, để mang đến cho chúng một "cuộc sống mới".
Một góc trưng bày các tác phẩm của nghệ nhân Nghiêm Thị Nga.
Đó là nghệ nhân Nghiêm Thị Nga (58 tuổi). Bà đã bén duyên bộ môn này được 5 năm. Ngay từ khi còn là cô bé 13 tuổi, bà Nga đã bắt đầu mày mò thêu, cắm hoa nghệ thuật, rồi sau này đam mê làm hoa lụa, hoa đất, nhưng chỉ khi biết đến bộ môn ướp hoa, bà cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, hoa lá rất sâu sắc của mình.
“Trong một chuyến đi đến Đà Lạt, khi nhìn thấy những bông hoa vĩnh cửu, tôi đã yêu ngay vẻ đẹp của chúng nhưng giá thành lại quá đắt. Từ đó tôi đã ao ước muốn một ngày tạo ra những bông hoa như thế bằng chính đôi tay mình” - bà Nga chia sẻ.
Nghề ướp hoa đòi hỏi sự tỷ mỉ, khéo léo.
Bà Nghiêm Thị Nga là học trò của nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu - người đầu tiên mang bộ môn nghệ thuật ướp hoa từ xứ sở hoa anh đào về Việt Nam. Để lưu giữ được hồn hoa, người nghệ nhân phải nắm rõ ba yếu tố: Hoa, Hóa và Họa. Trước hết, lựa chọn những bông hoa tươi, đủ sức sống là công đoạn tiên quyết. Tiếp đến người nghệ nhân phải am hiểu về hóa học để biết cách ướp, tẩy trắng, nhuộm những bông hoa một cách hoàn hảo nhất, rồi đem đi sấy thủ công với nhiệt độ thích hợp.
Cuối cùng, đôi bàn tay khéo léo và con mắt thẩm mỹ sẽ quyết định nên thành phấm, đó cũng là giây phút mỗi bông hoa khoác lên mình cuộc đời mới.
Những bông hoa thể hiện tình yêu và sự chăm chút của bà Nga.
Những bông hoa ướp không chỉ tỏa ra vẻ đẹp riêng mà chúng còn có một khả năng đặc biệt, đó là dự báo thời tiết. “Vào ngày hoa đổ mồ hôi báo hiệu cho tôi biết khí hậu hôm đấy sẽ nồm ẩm, sau đó vào những ngày nắng, những đóa hoa lại tươi mới trở lại như thể chúng vẫn luôn mang trong mình sức sống kì diệu” - bà Nga nói.
Tuy nhiên, đặc biệt hơn cả, tài năng của bà Nga chỉ thực sự tỏa sáng khi bà là một trong 2 nghệ nhân duy nhất tại Việt Nam có thể ướp được hoa Sen, một loài hoa đặc trưng của dân tộc.
Để hoa sen sống mãi
“Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng”, đúng như câu ca dao này, hoa sen vẫn thường được nhắc đến với một vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi, luôn vươn lên tỏa ngát hương thơm, dù “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Một loài hoa bình dị mà cao quý.

Hoa sen ướp mang đến hiệu ứng tuyệt vời trong từng đường nét.
Nhận ra được vẻ đẹp ấy, nghệ nhân Nghiêm Thị Nga đã dày công nghiên cứu, học hỏi từ người thầy của mình để tìm ra cách bảo tồn loài hoa đặc biệt này trở nên vĩnh cửu.

Không giống các loài hoa khác chỉ mất từ 9 đến 10 ngày thì hoa sen mất đến 12 ngày mới có thể tẩy trắng hoàn toàn, bởi đặc tính sinh học của loài hoa này rất khác lạ so với các loài hoa khác. Những mùa sen đến, bà Nga phải dậy từ 3 giờ sáng để chọn được những bông hoa tươi nhất, sau đó phải mang về ướp ngay để hoa không bị hỏng và thực hiện những công đoạn sau đó.
Để làm ra một mẻ hoa sen gặp rất nhiều rủi ro, không chỉ đòi hỏi tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ mà họ còn phải đầu tư tiền bạc của chính mình. Bà Nga bày tỏ: “Những ngày đầu nghiên cứu ướp hoa sen, có những mẻ làm ra thất bại, cả trăm bông thì không được bông nào, chi phí bỏ ra rất lớn bởi giá thành của hoa Sen rất đắt, có lúc tôi mất đến từ 10 tới 15 triệu một lần như thế”.
Một trong những công đoạn làm hoa sen.
Tuy nhiên, mỗi lần thất bại như thế không làm bà Nga bỏ cuộc mà lại thúc dục bà càng phải chinh phục được cách để ướp được loài hoa không phải ai cũng có thể làm được. Và mọi nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng khi bà đã thành công trong việc nghiên cứu nghệ thuật ướp hoa sen này.
Nếu như tại các nước châu Âu, hoa Hồng ướp được giới quý tộc xem như là một biểu tưởng của sự quý phái, lãng mạn, đẳng cấp thì hoa sen ướp chính là hình ảnh cho sự thiêng liêng và sang trọng của nước Việt ta. Những bông hoa ướp không chỉ lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn chứa đựng niềm đam mê, lòng chân thành của nghệ nhân Nghiêm Thị Nga dành cho tình yêu thiên nhiên, đất nước.