Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ nhân tranh thêu và bảo vật "lá ngọc cành vàng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo nghề từ năm lên 10 tuổi, đến nay nghệ nhân Lê Văn Kinh đã trở thành bậc thầy của nghề thêu xứ Huế. Cửa hiệu thêu Đức Thành của ông bây giờ luôn bận rộn với các đơn đặt hàng khắp trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh năm nay ngoài 80 tuổi, là người duy nhất của nghề thêu được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, một trong những người được coi như "báu vật nhân văn sống" của Huế hiện nay.

Ông cũng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục nghệ nhân thêu tay bài thơ "Cáo tật thị chúng" bằng nhiều ngôn ngữ nhất với 14 thứ tiếng.

Hơn 10 năm trước, tình cờ có một nhóm nhà báo Mỹ đến tìm hiểu nghề tranh thêu và thắc mắc tại sao Việt Nam có nhiều bài thơ hay trên sách vở mà không tìm thấy bài thơ trên tranh mỹ nghệ. Câu hỏi này khiến ông rất trăn trở và quyết phải tự tay thêu thơ cho bằng được.
 
Nghệ nhân tranh thêu và bảo vật "lá ngọc cành vàng" - Ảnh 1
 
Nghệ nhân Lê Văn Kinh và bức tranh thêu Cáo tật thị chúng. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Và bức "Cáo tật thị chúng" với nội dung "Xuân đi, trăm hoa rụng/Xuân đến, trăm hoa cười/Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai" (theo bản dịch của Ngô Tất Tố) được ông chọn để thực hiện đến bây giờ.

Trong số 14 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…, tự tay ông Kinh dịch được ba bản là tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt. Các tiếng còn lại, ông phải nhờ người quen dịch. Dịch xong rồi ông lại gửi sang các quốc gia đó để nhờ kiểm chứng thêm một lần nữa mới yên tâm ngồi viết và thêu.

Theo nghề từ năm lên 10 tuổi, đến nay nghệ nhân Lê Văn Kinh đã trở thành bậc thầy của nghề thêu xứ Huế. Cửa hiệu thêu Đức Thành của ông bây giờ luôn bận rộn với các đơn đặt hàng khắp trong và ngoài nước.

Ở đây, hiện có hàng ngàn mẫu bức tranh thêu, về hình ảnh quê hương, đất nước, cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, hay hình ảnh một con đò, bến nước, đêm trăng Vĩ Dạ.

Ông tâm sự, nhiều đêm, lắng đọng với những suy tư, chợt bắt gặp ý tưởng mới lạ, ông lại ngồi dậy chong đèn cho phác thảo mới. Tâm đắc nhất của ông là bức phác họa chân dung người mẹ. Chỉ một vài đường nét về hình dáng, nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, ngồi vá áo cho con, với những đường chỉ vàng nổi bật trên nền đen sâu thẳm, như đã thầm nói hộ tất cả một đời mẹ tần tảo nuôi con.

Miệt mài trong hơn 70 năm qua, ông đã dạy và truyền nghề cho hơn 100.000 người, trong các cơ sở dạy nghề thêu ở Phú Lộc, Hương Phú, Quảng Điền, Hương Điền, Triệu Hải... Nhiều người trong số đó, bây giờ trở thành thợ lành nghề, tài hoa của thành phố Huế và nhiều địa phương khác trong vùng...

Ông cũng là người may mắn được thừa kế và gìn giữ bảo vật gia truyền "Cành vàng lá ngọc" (Kim chi ngọc diệp). Đây là tác phẩm thứ ba đang có ở thành phố Huế hiện nay, sau hai cổ vật khác đang được trưng bày tại Đại nội Huế (do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý).

Cổ vật này có tuổi đời hơn 100 năm, do ông ngoại của ông là Tham tri bộ lễ Nguyễn Văn Giáo (hiệu Chí Thành, một vị quan triều Nguyễn) - tặng ông từ lúc ông còn nhỏ. Đây là món quà do chính vua Khải Định ban tặng cho vị quan này khi ông còn tại vị trên ngai vàng.

Bảo vật "Cành vàng lá ngọc" hay Kim chi ngọc diệp này vẫn còn nguyên vẹn đến gần 100% với đầy đủ các chi tiết của một cổ vật xưa trong cung cấm. Bảo vật bao gồm thân cây bằng vàng mạ đặc tả theo dáng cây mai, chiều cao hơn 40cm, gồm hơn 20 cành vàng, hơn 10 lá ngọc... được kết nối xuyên qua thân cây, hoặc treo lên cành bằng những sợi chỉ vàng.

Cùng với cành vàng lá ngọc, tác phẩm còn có hàng chục “hạt” mai bằng hồng ngọc, huyền ngọc, thanh ngọc, bích ngọc và những “trái cây” cách điệu tạo thành những khối ngọc hoàn chỉnh móc dọc theo thân cây. Toàn bộ tác phẩm “cành vàng lá ngọc” này được đặt trong chiếc chậu cao hơn 50cm dưới dạng bon sai.

Thành danh trong nghề tranh thêu xứ Huế, nhưng ít ai biết, thân sinh của ông từng thêu áo Hoàng bào cho vua Khải Định mặc trong lễ "Tứ tuần đại khánh" (lễ lúc vua 40 tuổi), và thêu tranh "Thất sư khí cầu" (tức 7 con sư tử đùa với quả cầu) dâng vua, thêu khăn phủ trên đôn để lư đồng trước ngai vua.

Riêng bức "Thất sư khí cầu" hiện ông còn lưu lại được một bức, như vật gia bảo của gia đình. Điều này lý giải vì sao cụ Lê Văn Hởi, thân sinh của ông đã được vua ban cho hàm và tước vị "Hàn lâm viện," có thể được ra vào cung vua khi cần thiết. Hiện gia đình còn lưu giữ được thẻ bài ra vào cung cấm bằng ngà.../.