Chăm lo về văn học nghệ thuật phải tương xứng với chăm lo về kinh tế, chính trị” là chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học nghệ thuật (VHNT) với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 3 và 4/10.
Thực tế báo động
Hội thảo lần này không chỉ có sự tham gia của gần 200 nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nhà quản lý, các nhà văn, nhà thơ mà còn thu hút sự quan tâm của những người trẻ tuổi. Đây không còn là cuộc “thảo luận lý thuyết”, mà đã chạm vào đời sống thực tế, khi hiện thực cuộc sống được đem ra “mổ xẻ”, phân tích dưới góc nhìn văn học.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT T.Ư cho biết, hiện nay trong lĩnh vực VHNT, chức năng giải trí đang có xu hướng lấn át chức năng giáo dục. Hiện có rất ít tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giáo dục cao, phần lớn chỉ tập trung chạy theo thị hiếu hoặc khai thác những sự kiện giật gân câu khách. Đây là thực trạng báo động, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống và nhân cách của thế hệ trẻ. NSND Đặng Nhật Minh còn đưa ra con số đáng báo động: Mỗi năm Việt Nam nhập về trung bình 150 phim (2 ngày nhập 1 phim), đa số là những bộ phim hành động bạo lực, miêu tả tội ác. Từng là thành viên trong Hội đồng thẩm định phim quốc gia, ông đã nhiều lần phản đối những loại phim như vậy nhưng chúng vẫn lọt qua cửa kiểm duyệt. Gần đây, Cục Điện ảnh có chủ trương gắn nhãn cấm trẻ em dưới 16, 17 tuổi nhưng phim bạo lực vẫn ồ ạt về nước. “Đừng xem thường nghệ thuật chỉ là để giải trí, nghệ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người” – NSND Đặng Nhật Minh khẳng định.
Khảo sát qua nhiều điểm kinh doanh sách báo, các giờ chiếu phim trên truyền hình hiện nay, không khó để thấy tác phẩm VHNT dễ dãi, theo thị hiếu thị trường có xu hướng áp đảo. Bên cạnh đó, thị trường xuất bản, tỷ lệ sách có nội dung về truyền thống, giáo dục đạo đức còn thấp, sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi thường lẫn nhiều ấn phẩm cẩu thả, chạy theo doanh số đơn thuần.
Những giải pháp
Trước thực trạng này, bà Thân Thị Thư – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề xuất cần có cơ chế quản lý lĩnh vực VHNT như quản lý một loại hàng hóa đặc biệt. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì cho rằng, VHNT muốn tác động vào con người thì phải có chất lượng và hiệu quả, khắc phục nghiệp dư hóa. Tác phẩm văn học phải trở thành văn hóa, kết tinh thành văn hóa, phải có giá trị cao và sức sống lâu bền. Các phương tiện truyền thông, nhất là nhà trường phổ thông, cả đại học phải hết sức chú trọng phổ biến các giá trị VHNT được tích lũy bằng xương máu cho các thế hệ kế tiếp. Việc này hiện nay đã làm nhưng chưa đủ. “Sự kiên trì những định hướng đúng đắn của nền VHNT Việt Nam hiện nay trong tình hình có ít nhiều xuống cấp, tiêu cực là điều các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng về văn hóa giáo dục, VHNT đặc biệt phải quan tâm và có kế hoạch tạo mọi điều kiện có thể để các nhà trí thức, văn nghệ sĩ hoàn thành nhiệm vụ của mình trước con người và lịch sử” – nguyên Tổng Bí thư khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong thời gian tới, cần phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển VHNT chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị của VHNT dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế, cần cảnh giác với cuộc “xâm lăng văn hóa”, những biểu hiện lai căng lấn át bản sắc văn hóa dân tộc.
Một chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Chiến Công
|