Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch cảnh bảo tàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có tới gần 20 bảo tàng "định cư" ở Hà Nội, nhưng chỉ 3 bảo tàng được website lớn nhất thế giới - TripAdvisor đưa vào top 20 điểm đến hấp dẫn của Thủ đô. Số còn lại vẫn "sống" lay lắt trong cảnh chợ chiều, hoặc rôm rả nhờ… cho thuê.

Nơi hấp dẫn, chỗ đìu hiu

Đây là lần đầu tiên, 3 bảo tàng (Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) được TripAdvisor đưa vào top 20 điểm đến hấp dẫn nhất của Thủ đô. Bên cạnh các điểm du lịch phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Hỏa Lò, Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn… 3 bảo tàng có số phiếu bầu chọn rất cao (232 phiếu đánh giá xuất sắc và 188 phiếu bầu chất lượng rất tốt), xếp hạng 4,5/5 sao.

Nghịch cảnh bảo tàng - Ảnh 1

Bảo tàng Dân tộc học, điểm đến hấp dẫn của khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Hải Linh

Nhưng ngược lại với thành quả trên, hơn 10 bảo tàng khác ở Hà Nội hoặc trong cảnh đìu hiu, hoặc tấp nập chủ yếu nhờ cho thuê mở nhà hàng. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam "đứng" cạnh hai mặt phố đẹp của Hà Nội - phố Tông Đản và Tràng Tiền, nhưng mặt tiền tưởng dành để phô diễn sự hấp dẫn trước khách tham quan lại ngổn ngang bàn ghế ăn uống. TS Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: "Hàng quán mọc lên trong bảo tàng là do chủ trương xã hội hóa nhằm tăng nguồn thu cho cán bộ nhân viên và hơn nữa là để phục vụ nhu cầu của khách tham quan". Vậy là bảo tàng bố trí được diện tích cho nhà hàng thuê, nhưng không có diện tích trưng bày hơn 200.000 hiện vật đang còn cất trong kho.Không gian bề thế với tòa nhà mang dáng dấp hình tháp ngược của Bảo tàng Hà Nội trên đường Phạm Hùng, cũng chưa bao giờ đông khách tham quan. Thời gian làm việc "căng" nhất của bảo vệ và nhân viên trông xe là khi bảo tàng cho thuê hội trường bên phải tầng 1 để tổ chức đám cưới. Phải chăng doanh thu từ dịch vụ cho thuê tốt hơn nguồn thu từ triển lãm, trưng bày, nên các bảo tàng chọn giải pháp mở cửa... đón nhà hàng.

Câu hỏi cho người quản lý

Hơn một năm trước, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam "đứng" ở vị trí đẹp trên phố Lý Thường Kiệt, nhưng cũng đìu hiu chẳng kém Bảo tàng Hà Nội. Song thời gian gần đây, người ta ngỡ ngàng trước sự lột xác của địa chỉ này. "Đây có lẽ là bảo tàng độc nhất vô nhị và đáng nhớ nhất bạn sẽ được xem" - lời chia sẻ của một độc giả trên trang web TripAdvisor về Bảo tàng Phụ nữ. Là bởi, khung cảnh của bảo tàng đã được các kiến trúc sư nước ngoài và các chuyên gia Việt Nam "làm mới" cả nội dung và hình thức. Với 3 nội dung trưng bày: Phụ nữ trong gia đình (hôn nhân, sinh đẻ, cuộc sống gia đình), Phụ nữ trong lịch sử, Thời trang nữ, cùng hơn 1.000 hiện vật ở hệ thống trưng bày thường xuyên, thực sự "biết nói" và có thể "giao lưu" với du khách.

Còn Bảo tàng Dân tộc học, chính nhờ văn hóa di sản của tất cả các vùng miền được  trưng bày một cách độc đáo, nên lượng khách đến đạt con số kỷ lục cùng doanh thu 12,5 tỷ đồng từ bán vé. Không chỉ chú tâm vào trưng bày, bảo tàng này còn tổ chức rất nhiều hoạt động kéo theo sự tham gia của du khách như: Nặn tò he, đi cà kheo... Dư âm của chuyên đề "Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp" vẫn còn là mô hình triển lãm khiến các bảo tàng khác mong... làm theo. Theo TS KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Vấn đề lớn nhất của bảo tàng nước ta là phải khai thác hiệu quả và đúng chức năng. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là hình mẫu lý tưởng để khai thác dịch vụ phái sinh tốt cũng như liên kết giáo dục với các trường học. Bảo tàng Mỹ thuật cũng phải đổi mình, nên cho các nghệ sĩ trẻ thuê nhiều hơn, giá rẻ hơn. Sản phẩm phái sinh phải gắn với đặc trưng của bảo tàng, trong khi bảo tàng ở ta chỉ có chừng ấy thứ".

PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, người đã thành công với việc khai thác hiệu quả chức năng của bảo tàng này cũng khẳng định: "Muốn làm một bảo tàng đúng nghĩa, bao giờ người ta cũng phải tổng kiểm kê nhân lực và hiện vật, rồi suy nghĩ và xây dựng phương án trưng bày, lên kịch bản trưng bày từ tổng thể đến chi tiết, đưa ra những phương án tiếp cận mới, chiến lược thu hút người xem...".

Nghĩa là để khai thác hiệu quả công năng, mỗi bảo tàng phải làm tốt chức năng phục vụ, giới thiệu văn hóa đặc thù của riêng mình. Việc phát triển và duy trì các bảo tàng bấy lâu vẫn tốn một khoản kinh phí không nhỏ, thế nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay những bảo tàng vận hành được chức năng này.