Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý: Cung thừa, cầu lớn, vốn vẫn tắc

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa làm ăn cuối năm, DN mong có vốn để hoàn thành các đơn hàng, còn ngân hàng (NH) cũng muốn giải ngân để đạt tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng.

Ngân hàng rộng cửa mời vay...

Gần đây, nhiều NH đưa ra các gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng để tiếp cận với những đối tượng DN vừa và nhỏ (DNVVN). Đơn cử, NH ACB với các chương trình tín dụng ưu đãi, bao gồm “Đồng hành cùng DN SME” và “Hỗ trợ vốn đầu tư kinh doanh khách hàng DN” dành cho DN SME trên toàn quốc, với quy mô chương trình lên đến 10.000 tỷ đồng; Viet Capital Bank dành hạn mức 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh không cần tài sản bảo đảm.
Giao dịch tại Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch tại Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Các DN được vay tín chấp tối đa lên đến 1,5 tỷ đồng, kèm theo đó là ưu đãi về lãi suất và miễn phí sử dụng nhiều loại dịch vụ như: Dịch vụ chi lương qua thẻ, phí đăng ký và sử dụng dịch vụ thanh toán thuế điện tử... Hay tại VIB áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi 6,99%/năm trong 6 tháng đầu cho các khoản vay trên 12 tháng. Lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,99%/năm; SHB cũng đã công bố gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bằng USD đối với DN xuất khẩu, thực hiện từ nay đến hết năm 2016 với lãi suất áp dụng là 2,35 - 2,8%/năm.

Thời điểm này, huy động vốn của hệ thống tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương. Những yếu tố này chính là lực đẩy để các NH tập trung đưa vốn ra nền kinh tế, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cuối năm. Theo kế hoạch trong năm 2016, các NH sẽ dành 250.000 tỷ đồng cho các DN vay, tăng 110.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Nhiều NH có các chương trình hỗ trợ tín dụng cho khối DNVVN, tuy vậy hiệu quả trên thực tế không cao.

... nhưng vẫn khó qua
Giám đốc một NH cho hay: NH có thể cho vay không cần tài sản thế chấp với lãi suất chỉ từ 7 – 8% nhưng vẫn không có nhiều DN vay được vì họ phải loay hoay với bài toán trả nợ khi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

Chị Dung, cán bộ một công ty xuất khẩu may mặc tại Hà Nội là DN nhỏ, với số lượng 20 nhân viên, nhu cầu vốn vay vào khoảng 10 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn lưu động từ 1 - 2 tỷ đồng, tuy nhiên, quá trình vay vốn cũng không dễ dàng. Chị Dung cho biết, công ty đã gõ cửa mấy NH nhưng chẳng chỗ nào cho vay mà không nói lý do vì sao, cũng không chê hồ sơ vay vốn. Có một chi nhánh NH tại Hà Nội có ý cho vay nhưng định giá tài sản thế chấp quá thấp so với giá trị thực tế. Chưa kể, cộng các chi phí thủ tục, thẩm định, chi phí không chính thức, lãi vay có thể tới phải cộng thêm 2 - 3% số tiền vay nên không vay nữa. “Với chi phí vốn này thì hiệu quả kinh tế của DN sẽ không còn” - chị Dung chia sẻ.

Lập nghiệp bằng một dự án nông nghiệp từ đầu năm nay, Nguyễn Anh Dũng (Hà Nội) đã rất hào hứng vì biết rằng lĩnh vực anh tham gia thuộc danh mục được ưu đãi lãi suất tại một số NHTM. Song sau vài lần gõ cửa NH, anh Dũng vỡ lẽ rằng tiếp cận được khoản tiền 200 triệu đồng là việc không phải dễ dàng. Ngoài yêu cầu thế chấp, thủ tục pháp lý quá rườm rà đối với một dự án chưa thành hình hài, thì lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian quá ngắn hoàn toàn không phù hợp với DN mới khởi nghiệp.

Thừa vốn khó cho vay, trong khi DN thiếu vốn nhưng khó vay là thực tế đang tồn tại hiện nay. Giám đốc một NH tại Hà Nội thừa nhận: “So với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu vốn và lượng vốn giải ngân cho vụ sản xuất, kinh doanh cuối năm đã giảm đáng kể. Hai gói tín dụng ưu đãi của NH lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, hiện giải ngân chưa đáng kể. Về lý do, vị này thừa nhận lúc này rất khó kiếm được khách hàng tốt".

Hơn 90% là các DNVVN, các NH dù đánh giá đây là nhóm khách hàng tiềm năng và trọng tâm cần phát triển trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện tại, nhưng theo nhiều chuyên gia, cái “yếu” lớn nhất của DNVVN không phải là “nghèo” tài sản đảm bảo, “thiếu” quan hệ để vay NH mà là “kém” trong quản trị dòng tiền.